Bộ sưu tập cổ vật của ông Ẩn – Phan Thiết

Không phải ở đâu xa mà tại Mũi Né chúng tôi được chiêm ngưỡng bộ sưu tập cổ vật đồ sộ, phong phú và đa dạng với nhiều tiêu bản lạ lùng và quý hiếm gồm nhiều chất liệu có xuất xứ từ nhiều vùng, miền quốc gia khác nhau. Đó là bộ sưu tập cổ vật thuộc sở hữu của ông Nguyễn Ngọc Ẩn ở số nhà 93/2 Chế Lan Viên, phường Mũi Né, Phan Thiết được gây dựng cách đây khoảng hơn 10 năm.

ông Nguyễn Ngọc Ẩn bên bộ sưu tập cổ vật

Lúc đầu với ý định muốn nghiên cứu, bảo vệ cổ vật và hình thành một bộ sưu tập để chiêm ngưỡng và giới thiệu về sự phong phú, đa dạng của cổ vật Việt Nam tại gia. Ông đã bắt đầu tiến hành sưu tầm, tìm mua những hiện vật để đến hiện nay bộ sưu tập của ông có trên 10.000 cổ vật. Trong đó có những cổ vật cực kỳ quý hiếm mà ở Bình Thuận không có. Xuất phát từ lòng yêu quý những gì do tiền nhân để lại, công cuộc sưu tập được tiến hành không ngừng nghỉ trong sự hao tổn rất nhiều tài lực, tâm lực, trí lực mà ông và cả vợ ông sẵn sàng đánh đổi để có được quyền sở hữu các cổ vật quý. Việc một mình âm thầm sưu tầm mua, bán hoặc qua những người có cùng ý tưởng, những người chuyên thu gom từ các địa phương trong và ngoài tỉnh một cách hợp pháp, đã nâng dần số lượng bộ sưu tập ngày càng tăng cùng với giá trị quý hiếm của chúng. Tuy là sưu tập tư nhân nhưng các sưu tập của ông Ẩn lại mang tính tổng quát của cả nước và quốc tế.

Một góc trưng bày cổ vật của ông Ẩn

Đáng lưu ý là trong sưu tập của ông có cả số cổ vật lạ lẫm của văn hóa Đông Sơn (thế kỷ II – thế kỷ I trước Công nguyên); đồ trang sức của văn hóa Óc Eo; cổ vật của văn hóa Kh’me; gốm Sa Huỳnh; cổ vật gốm Gò Sành của người Chăm ở Bình Định…

Ngoài những sưu tập cổ vật được trưng bày thuộc nhiều triều đại khác nhau, có thể kể đến như: cổ vật thời Đinh, Lê, Lý, Trần,… đồ Chu Đậu, gốm sứ các con tàu cổ ở vùng biển Bình Thuận, Vũng Tàu, Cà Mau đều có cả mà lại là đồ nguyên, tốt và hiếm ở trong các con tàu cổ. Bộ sưu tập cho thấy sự phong phú, đa dạng trong việc thể hiện các đề tài sinh hoạt của cuộc sống người xưa, từ các hiện vật phục vụ tôn giáo tín ngưỡng, đồ trang sức, đồ phục vụ các thú thưởng ngoạn xưa như ăn trầu, uống trà,… Tiếp chúng tôi ông cũng giới thiệu luôn bộ ấm chén cổ xuất xứ từ nhiều nơi với niên đại khác nhau, như đĩa của triều Nguyễn, ly có mấy cái đời Thanh (Trung Quốc) nhỏ và mỏng có thể nhìn thấy trời,…

Qua cách giới thiệu của ông Ẩn về các sưu tập cổ vật khác nhau mà ông đang sở hữu từ chiếc lược đồng của văn hóa Đông Sơn cách đây 2.500 – 2.000 năm, đồ trang sức của văn hóa Óc Eo (thế kỷ V – thế kỷ VII sau Công nguyên) đến gốm Chăm, tượng Chăm, sứ thời Nguyễn,… từ cách chế tác đến niên đại và giá trị của từng món cổ vật cho thấy tuy ông không được đào tạo bài bản như những nhà khảo cổ chuyên nghiệp, nhưng qua cách giới thiệu ông lại khá rành rẽ và chuyên nghiệp do tích lũy kinh nghiệm từ nhiều năm. Không đơn giản để chọn lựa khi tìm hiểu ngọn nguồn của từng cổ vật vì chúng rất đa dạng về loại hình, phong phú về chất liệu và đặc biệt là rất nhiều tiền… do đó cần có đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để tuyển chọn đưa về nhà.

Biết Bảo tàng tỉnh đang rất khan hiếm loại hiện vật, cổ vật như đang sở hữu, ông Nguyễn Ngọc Ẩn hứa tặng 200 cổ vật có giá trị. Trong đó có các sưu tập về văn hóa Óc Eo; cổ vật gốm Sa Huỳnh; cổ vật thuộc văn hóa Chăm và đặc biệt là một số cổ vật thuộc văn hóa Đông Sơn từ 2.500 – 2.000 năm trước. Đây là việc làm rất có ý nghĩa, góp phần làm phong phú kho di sản văn hóa cổ vật được lưu giữ tại Bảo tàng và đặc biệt có ý nghĩa trong việc gắn kết, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa giữa Bảo tàng công lập với các Bảo tàng và sưu tập tư nhân trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Xuân Lý

Nguồn: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/bo-suu-tap-co-vat-cua-ong-an-72249.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.