Bảo tàng tỉnh Bến Tre

Toà nhà Bảo tàng tọa lạc tại số 146, đường Hùng Vương, phường 3, thành phố Bến Tre, trong khuôn viên rộng hơn 13.000m2.

Ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp với những cánh cửa hình vòm đặc trưng, gồm một tầng trệt và một tầng lầu, diện tích 474 m2. Mái lợp ngói, tường gạch, cùng nhiều cửa sổ cũng hình vòm trên chạm đầu rồng hoặc sư tử. Bốn hướng đều có cổng ra vào với 3 mặt giáp với 3 con đường lớn: Hùng Vương, Cách Mạng Tháng Tám, Lê Đại Hành.

Mặt chính ngôi nhà hướng về phía sông Bến Tre, mặt sau hướng về đường Cách mạng tháng Tám, một trong những con đường nhộn nhịp nhất của thành phố Bến Tre, nằm ngay trung tâm thành phố với những cây cổ thụ tỏa bóng mát cùng nhiều hoa kiểng tươi tốt, quý giá và hàng rào khang trang bao bọc làm cho ngôi nhà trở nên biệt lập và sang trọng.

Đây là một vị trí đẹp, thuận lợi về mọi mặt, là điểm hẹn của nhân dân trong tỉnh, sinh viên, học sinh, khách du lịch trong và ngoài tỉnh cùng những người muốn tìm hiểu về xứ Dừa.

Chính vì vị trí quan trọng như vậy nên khi xâm chiếm đất Bến Tre, đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã cho xây dựng ngôi nhà này để làm Dinh Tham biện.

Sau hiệp định Genève (20/7/1954), đế quốc Mỹ nhảy vào dựng lên ở miềm Nam chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, ngôi nhà này được Mỹ Ngụy chọn làm Dinh Tỉnh trưởng. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, ngôi nhà được Tỉnh ủy Bến Tre tiếp quản, sau đó giao lại cho Ty Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để làm phòng Bảo tồn Bảo tàng vào năm 1976.

Khi Bảo tàng Bến Tre được thành lập theo Quyết định số 1564 ngày 26/10/1981, tỉnh đã quyết định giao lại ngôi nhà cho Bảo tàng sử dụng để trưng bày những hình ảnh và hiện vật truyền thống cách mạng của nhân dân tỉnh nhà trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược.

Tại đây từng diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng liên quan đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc của quân, dân Bến Tre. Đây là cơ sở nội tuyến bí mật in ấn tài liệu vào năm 1938 theo sự chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thái Bường; là nơi diễn ra lễ ký quyết định thành lập công binh giới của lãnh đạo Tỉnh ủy vào tháng 10/1945; là cơ sở hoạt động bí mật của chiến sĩ tình báo Phạm Ngọc Thảo với cương vị Đại tá – Tỉnh trưởng Kiến Hòa giai đoạn 1960 – 1962.

Hiện nay, nội thất ngôi nhà đã được sửa chữa lại để phù hợp cho việc trưng bày. Toàn bộ các phòng và hành lang đều được sử dụng để trưng bày hơn ba ngàn hiện vật, hình ảnh, tư liệu, gồm 3 phòng ở tầng trệt và 3 phòng ở tầng lầu.

Ngoài những phòng trưng bày trong nhà, Bảo tàng Bến Tre còn có khu trưng bày ngoài trời rộng 288m2, trưng bày những hiện vật thuộc thể khối có kích thước lớn như xác máy bay, pháo, vỏ bom, …

Bằng những hiện vật, hình ảnh, mô hình,… Bảo tàng Bến Tre có thể giúp người xem hệ thống lại lịch sử phát triển của tỉnh trong hơn 100 năm qua. Năm 2002, Bảo Tàng Bến Tre xây dựng thêm một tòa nhà mới theo Quyết định số 2234/QĐ-UB ngày 20/6/2002 trên địa điểm cách ngôi nhà cũ khoảng 20m về phía phải (nằm phía sau Nhà khách Hùng Vương). Ngôi nhà được xây dựng gồm một tầng trệt và 2 tầng lầu, được đặt tên “Nhà trưng bày thành tựu kinh tế – văn hóa – xã hội và an ninh quốc phòng tỉnh Bến Tre”.

Nguồn: http://www.bentre.gov.vn/Pages/GioiThieu.aspx?ID=2072&InitialTabId=Ribbon.Read

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.