Bảo tàng Quảng Nam – 20 năm phát triển

Hai mươi năm phát triển (1997-2017) của một đơn vị sự nghiệp mang tính chuyên sâu về văn hóa như bảo tàng là một thời gian không dài, nhưng Bảo tàng Quảng Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Bảo tàng Quảng Nam được thành lập theo Quyết định số 415/QĐ-UB, ngày 20/3/1997 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam. Trụ sở chính có địa chỉ: 281 Phan Bội Châu, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Được đầu tư xây dựng trên diện tích hơn 02 ha, nằm trên ngã tư đường Phan Bội Châu – Trần Phú. Đây là một trong những công trình văn hóa tiêu biểu của tỉnh.

Hai mươi năm phát triển (1997-2017) của một đơn vị sự nghiệp mang tính chuyên sâu về văn hóa như bảo tàng là một thời gian không dài, nhưng Bảo tàng Quảng Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Khi mới thành lập, cơ quan đóng tạm tại Trung tâm Văn hóa Thể thao thị xã Tam Kỳ (số 56 Trần Cao Vân Tam Kỳ). Năm 2000, nhà kho bảo tàng xây dựng xong trên đường Phan Bội Châu, cả cơ quan dời về địa điểm này để làm việc.

Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, năm 2012 Khởi công xây dựng Bảo tàng Quảng Nam với tổng vốn đầu tư hơn 60 tỉ đồng. Năm 2015, khánh thành và đưa vào sử dụng Nhà Bảo tàng với 2700 2 diện tích trưng bày bên trong và 4.500 m2 diện tích trưng bày ngoài trời.

Song song với cơ sở vật chất được đầu tư, bộ máy hoạt động cũng được cũng cố. Từ chỗ có 07 cán bộ, nhân viên của Bảo tàng Đà Nẵng được phân công vào công tác tại Quảng Nam, đến nay, đội ngũ cán bộ viên chức có chuyên môn ngày càng được bổ sung và trưởng thành qua thực tiễn công tác. Bộ máy ngày càng hoàn thiện, đến nay Bảo tàng Quảng Nam có đầy đủ theo cơ cấu, gồm: Ban giám đốc và 3 phòng chức năng với 25 cán bộ, viên chức và người lao động.

Do điều kiện khi mới thành lập bảo tàng không có kho hiện vật nên số hiện vật của Quảng Nam phải gửi lại Bảo tàng Đà Nẵng. Nhận thức tầm quan trọng của hiện vật gốc đối với bảo tàng, trong những năm qua, Bảo tàng Quảng Nam, đã tổ chức hàng trăm cuộc điền dã, khảo cổ, khai quật trong lòng đất, “trong lòng người” để sưu tầm nhiều hiện vật có giá trị. Đến nay bảo tàng lưu giữ, bảo quản và trưng bày giới thiệu gần 30.000 hiện vật. Gồm có các bộ sưu tập hiện vật rất giá trị, tiêu biểu như: Bộ sưu tập các mẫu vật về tài nguyên, khoáng sản, với các mẫu vật quý hiếm như: răng voi cổ đại hóa thạch (sưu tầm được tại Khe Tre, xã Tam Mỹ, huyện Núi Thành, Quảng Nam), các loại lâm sản quý như: quế, trầm, gỗ Pơ mu, gõ, huỹnh, dổi, chò, các mẫu quặng vàng Bồng Miêu, Phước Sơn, quặng than đá Nông Sơn và một số nông lâm sản khác … Điển hình nhất là bộ sưu tập hiện vật di cốt người cổ có niên đại trên 5.000 năm, được mai táng theo hình thức chôn bó gối được tìm thấy tại Bàu Dũ, thôn Phú Xuân Trung, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, Quảng Nam; những mộ chum và đồ tùy táng của nền văn hóa Sa Huỳnh, gồm công cụ lao động, vật dụng sinh hoạt, vũ khí, trang sức của người cổ thời kỳ sơ sử;  bộ sưu tập hiện vật về Văn hóa Chăm pa hết sức phong phú, trong đó có bảo vật quốc gia Mukhalinga với kích cỡ lớn được tìm thấy ở khu đền tháp Mỹ Sơn; bảo vật quốc gia đầu tượng thần Silva, thế kỷ X, chất liệu bằng vàng ròng, là 1 trong 2 đầu tượng vàng cực kỳ quý hiếm hiện có ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay; bộ sưu tập những hiện vật đặc trưng về đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của các dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Nam; bộ sưu tập về công cụ lao động, sản xuất và các hiện vật, tư liệu về đời sống văn hóa tinh thần, nghệ thuật sân khấu, lễ hội của người Việt từ thời di dân, lâp ấp, khẩn hoang đến ngày nay trong đó nổi bật với những hình ảnh, hiện vật thuộc thời kỳ đấu tranh cứu nước,…,của người Quảng Nam. Ngoài ra, còn có nhiều bộ sưu tập về di sản văn hóa biển đảo rất giá trị.

Tăng cường công tác giao lưu, Bảo tàng đã phối hợp với các địa phương, đơn vị trong và ngoài nước, thực hiện nhiều cuộc trưng bày, triển lãm lưu động tại các huyện, thành phố trong tỉnh; phối hợp với Viện Khoa học xã hội và Nhân văn Đồng bằng Nam bộ hay Trường Đại học Nữ Chiêu hòa của Nhật Bản, hoặc Viện Khảo cổ Việt Nam tổ chức nhiều cuộc khai quật khảo cổ tại một số di chỉ văn hóa. Qua các cuộc khảo cổ này, Bảo tàng Quảng Nam không chỉ thu được nhiều hiện vật quý hiếm mà còn học hỏi được kinh nghiệm của các đơn vị bạn. nhờ đó mà đội ngũ quen dần với cách làm việc khoa học của các đơn vị chuyên nghiệp.

Cũng qua công tác khảo sát và khai quật, bảo tàng đã phần nào phát lộ trầm tích văn hóa trên địa bàn tỉnh, với hơn 50 di chỉ văn hóa được đánh dấu trên bản đồ hoặc khai quật khảo cổ đã phát lộ và bổ sung nhiều thông tin sử học  của xứ Quảng.

Cùng với các bảo tàng trong khu vực, Bảo tàng Quảng Nam tổ chức nhiều buổi giao lưu để trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ, tham quan, hiến tặng hiện vật cho các bảo tàng như Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Quảng Ngãi, Bảo tàng Thừa Thiên-Huế, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ….Qua giao lưu, nhiều kinh nghiệm quý trong công tác bảo tàng được trao truyền, chuyển giao giữa các đơn vị, tạo được niềm vui, lòng yêu nghề và nâng cao năng lực cho cán bộ viên chức bảo tàng. Bảo tàng cũng tạo mối quan hệ tốt và được sự giúp đỡ chí tình của các chuyên gia đầu ngành như Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đoàn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Cổ vật UNESCO Việt Nam…, nhằm chấn hưng và phát triển bảo tàng ngày càng vững mạnh. Bên cạnh đó, còn liên kết, giao lưu với các nhà sưu tập nổi tiếng như Lâm Dũ Xênh (Quảng Ngãi), Diệp Gia Tùng (Hội An), để được tư vấn, hiến tặng hiện vật và có kế hoạch tổ chức trưng bày các chuyên đề về cổ vật để phục vụ khách tham quan.

Với chủ trương “đưa bảo tàng về cơ sở”, trong những năm qua, Bảo tàng Quảng Nam đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày lưu động, nhằm đưa bảo tàng đến gần công chúng và tạo điều kiện cho đồng bào trong tỉnh tiếp cận và tham quan hình ảnh, tư liệu, hiện vật bảo tàng. Ngoài ra, Bảo tàng còn phối hợp với các địa phương, đơn vị trưng bày nhân sự kiện của địa  phương, của tỉnh hay các ngành. Đặc biệt, với sự giúp đỡ của Bộ Thông tin và Truyền thông, bảo tàng đã tổ chức hàng chục cuộc trưng bày về chủ quyền biển đảo Việt Nam tại các địa phương trong tỉnh, thu hút được đông đảo khách tham quan và góp phần gây nhận thức về chủ quyền trên biển trong nhân dân, tạo ý thức và tăng cường bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Công tác nghiên cứu khoa học cũng được chú trọng, Bảo tàng đã đăng ký với Sở Khoa học Công nghệ thực hiện một số đề tài nghiên cứu được đánh giá khá tốt. Một số cán bộ, viên chức của bảo tàng được mời tham gia các đề tài nghiên cứu cấp Bộ, cấp tỉnh. Nhiều người còn thường xuyên cộng tác với các báo trung ương và địa phương đã góp phần quảng bá văn hóa Quảng Nam nói chung và Bảo tàng Quảng Nam nói riêng đến với công chúng. Bảo tàng hiện đã có Cổng thông tin điện tử (Website). Đây là phương tiện để quảng bá bảo tàng, cập nhật tin tức hoạt động, đầu mối giao lưu và là “sân chơi” cho các cây bút nghiệp dư của bảo tàng và những người quan tâm đến lĩnh vực văn hóa.

Tuy thành tựu chưa nhiều của một bảo tàng mới 20 năm thành lập, nhưng tất cả cán bộ, viên chức đều lấy đó làm niềm vui, lòng tự hào về những đóng góp của mỗi cá nhân trong thành tích chung ấy. Tuy nhiên, đời sống của anh em làm công tác bảo tàng vẫn còn khó khăn, vất vả, thu nhập thấp, cuộc sống chưa được cải thiện. Trang thiết bị còn thiếu, cổ vật còn nằm trong dân (những nhà sưu tập), những tranh, tượng mỹ thuật có giá khá cao, nhưng với kinh phí ít ỏi như hiện nay thì không mua nổi.

Để xây dựng Bảo tàng Quảng Nam ngang tầm với các bảo tàng trong khu vực và trở thành địa chỉ tham quan cho khách trong và ngoài nước, phục vụ đắc lực cho việc phát triển du lịch, trước mắt cũng như lâu dài đều phải có phương hướng và giải pháp hiệu quả, từng bước nâng cấp bảo tàng về mọi mặt.

Trước hết, phải bắt đầu từ đội ngũ viên chức. Tuy hầu hết viên chức của bảo tàng đều nhiệt tình, am hiểu công việc, nhưng số viên chức chuyên ngành bảo tàng còn chưa tương xứng: mới có 01 đại học, 02 cao đẳng, 01 trung cấp; số còn lại, rải rác ở các chuyên ngành gần, như lịch sử, khảo cổ, ngoại ngữ…Ngoài ra, còn có một số viên chức được tuyển dụng trước đây có chuyên môn trái với chuyên ngành bảo tàng. Việc đầu tiên là phải rà soát, sắp xếp lại đội ngũ, vị trí việc làm, cử đi đào tạo và đào tạo lại một số viên chức, cho viên chức tham gia các khóa bồi dưỡng…, để có đội ngũ vừa hồng, vừa chuyên. Hiện tại, mới được phân bổ 18 biên chế và một số hợp đồng lao động, tổng cộng có 25 người. Để đáp ứng được yêu cầu và khả năng phục vụ của bảo tàng tổng hợp cấp tỉnh, Bảo tàng Quảng Nam cần thêm 10 biên chế nữa, tập trung chuyên ngành bảo tàng, khảo cổ và chuyên ngành tiếng Anh, tiếng Trung (thuyết minh và thông dịch). So với biên chế các bảo tàng trong khu vực thì Bảo tàng Quảng Nam cần 30 biên chế và một số hợp đồng lao động đủ để hoạt động hiệu quả.

Trong thời gian đến, phải đề nghị cấp có thẩm quyền đầu tư xây dựng nhà kho đảm bảo chất lượng để bảo quản hàng chục ngàn hiện vật rất có giá trị lịch sử và khoa học. Nhà kho cũ được xây dựng từ năm 1998, đến nay đã hoàn thành vai trò lịch sử, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn đủ điều kiện giữ gìn hiện vật trong trạng thái tốt nhất.

Điều trăn trở lớn nhất của những người làm công tác bảo tàng hiện nay là việc thu hút khách tham quan. Nhiều bảo tàng đầu tư hàng chục tỉ đồng nhưng khi đưa vào khai thác thì suốt ngày “vắng như Chùa Bà Đanh”. Để Bảo tàng Quảng Nam được người dân trong và ngoài tỉnh thường xuyên ghé thăm, tham quan hiện vật bảo tàng, thì những người làm công tác bảo tàng phải ý thức trách nhiệm và không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, thường xuyên đổi mới, hiện đại trong công tác trưng bày và thay đổi cung cách phục vụ gần dân hơn, nắm bắt nhu cầu tham quan của từng đối tượng để phục vụ.

Làm thế nào để người làm công tác bảo tàng yên tâm “sống chết với nghề” ? Đó là nỗi băn khoăn của Ban giám đốc trong nhiều năm qua. Trong điều kiện kinh phí hoạt động ít ỏi, đồng lương không đủ trang trải các khoảng chi tiêu, đời sống của cán bộ, viên chức hết sức khó khăn. Để tăng thu nhập, cải thiện mức sống cho anh em, sắp tới cần tăng cường áp dụng Thông tư số 18/2010/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch quy định về tổ chức và hoạt động bảo tàng. Theo đó, Ban giám đốc phải có những ý tưởng tốt và mạnh dạn đề xuất với cơ quan chủ quản và các cơ quan chức năng cho phép bảo tàng được tổ chức một số dịch vụ phù hợp với hoạt động bảo tàng như  bán các mặt hàng lưu niệm, cà phê văn hóa, cải tạo phần sân vườn phía sau làm dịch vụ trông giữ ô tô …., tư vấn và làm dịch vụ trưng bày cho các địa phương, đơn vị; nhận đặt hàng tổ chức sự kiện quy mô vừa; tư vấn và phiên bản, phục chế hiện vật của các địa phương theo yêu cầu….

Trách nhiệm của những người làm bảo tàng ở Quảng Nam trong thời gian đến còn nặng nề và nhiều thách thức. Tin tưởng rằng với tinh thần đoàn kết, tương trợ của cán bộ, viên chức, người lao động và sự quan tâm của cấp trên, Bảo tàng Quảng Nam không ngừng trưởng thành, trở thành địa chỉ văn hóa tiêu biểu, nơi lưu giữ, quảng bá văn hóa Quảng Nam, nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào của người dân Xứ Quảng./.

Tác giả: Nguyễn Nay – Giám đốc Bảo tàng Quảng Nam

Nguồn: http://baotang.quangnam.gov.vn/Default.aspx?tabid=63&Group=47&NID=1799&bao-tang-quang-nam–2-nam-phat-trien

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.