Bảo tàng Hà Tĩnh

NDĐT – Do không có nhà trưng bày nên suốt 25 năm qua, gần 10 nghìn cổ vật, hiện vật được xem là biểu tượng của tinh hoa văn hóa xứ Hồng Lam đang phải “đắp chiếu” tại nhà kho Bảo tàng Hà Tĩnh. Bên cạnh việc huy động nguồn lực xây dựng không gian trưng bày xứng tầm, trước mắt, tỉnh Hà Tĩnh cần thực hiện ngay các giải pháp bảo quản, lưu giữ cần thiết để tăng tuổi thọ và giữ nguyên hiện trạng của các hiện vật, cổ vật trong điều kiện khí hậu nóng, ẩm như hiện nay.

Hàng nghìn hiện vật, cổ vật sắp xếp lộn xộn trong kho của bảo tàng

Bảo tàng Hà Tĩnh được thành lập từ ngày 2-2-1992 sau một năm tái lập tỉnh Hà Tĩnh. Từ nguồn hỗ trợ của Bộ Văn hóa Thông tin, năm 1995 nhà kho Bảo tàng Hà Tĩnh được xây dựng để làm nơi cất giữ, bảo quản các hiện vật, cổ vật được sưu tầm, phát hiện trên địa bàn. Tuy nhiên, từ khi Bảo tàng Hà Tĩnh thành lập đến nay, do không có nhà làm việc, không gian trưng bày nên nhà kho bảo tàng có diện tích hơn 200m2 đã trở thành nơi làm việc của cán bộ, nhân viên, chồng chất đủ thứ tài liệu, hiện vật khiến không gian của nhà kho bảo tàng vốn đã chật chội càng trở nên ngột ngạt, khó chịu hơn.

Với điều kiện khí hậu nóng ẩm ở Hà Tĩnh, khi đặt chân đến bảo tàng sẽ không khó để phát hiện ra mùi hóa chất khử khuẩn pha lẫn mùi ẩm mốc bốc lên từ các hiện vật gốc. Ngắm nhìn các cổ vật chồng chồng, lớp lớp trong bốn kho bảo quản đang có dấu hiệu bị nấm mốc, thật không khỏi chạnh lòng với những báu vật mang bản sắc truyền thống riêng của đất và người Hà Tĩnh. Với bề dày lịch sử hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước, các bậc tiền nhân đã để lại cho thế hệ con cháu Hồng Lam hôm nay cả một hệ thống di sản văn hóa cổ vô giá. Vậy mà, giờ đây, hàng nghìn cổ vật, hiện vật vô giá đó lại đang được… xếp kho và chưa thể phát huy được những giá trị vốn có.

Theo Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh Nguyễn Trí Sơn, Bảo tàng Hà Tĩnh hiện đang lưu giữ, bảo quản khoảng 10.000 hiện vật gốc có niên đại từ hơn 4.000 năm trở lại đây. Đặc biệt, nhiều hiện vật quý hiếm, có giá trị như: Bộ hài cốt người Việt cổ có niên đại 4.450 năm; bộ sưu tập súng thần công có niên đại tuyệt đối vào năm 1821 (thuộc triều vua Minh Mạng); bộ mộc bản Phúc Giang thư viện vừa được công nhận Di sản ký ức thế giới, bộ sưu tập các ngành nghề truyền thống; nhiều kỷ vật chiến tranh qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và nhiều bộ sưu tập, sắc phong của các triều đại Lê, Nguyễn có giá trị văn hóa lịch sử cao.

“Hà Tĩnh còn là địa chỉ mang đậm dấu ấn văn minh của người Việt cổ. Nhiều hiện vật quý thời tiền sử từng được phát hiện tại các khu di chỉ khảo cổ học Thạch Lạc (Thạch Hà), Phôi Phối – Bãi Cọi (Nghi Xuân) với nhiều mẫu hiện vật của người sơ sử được chế tác bằng các chất liệu đồ đá, đồ đồng, gốm sứ, sách cổ, trang phục cổ các dân tộc. Tuy nhiên do điều kiện bảo quản không bảo đảm nên nhiều hiện vật đang đứng trước nguy cơ mai một, hư hỏng”, ông Sơn chia sẻ.

“Trong điều kiện nóng, ẩm của khí hậu nhiệt đới ở Hà Tĩnh, các hiện vật, cổ rất dễ bị hủy hoại. Đặc biệt, các hiện vật văn hóa truyền thống, tư liệu giấy, phim ảnh, trang phục hay ẩm mốc (do đang bảo quản theo hình thức thủ công), nếu không có hệ thống bảo quản đạt yêu cầu thì nguy cơ giảm “tuổi thọ” là khó tránh khỏi”, chị Ngô Thị Lan Anh, nhân viên Bảo tàng Hà Tĩnh lo lắng nói.

Mảnh xác máy bay Mỹ bị quân và dân Hà Tĩnh bắn rơi đang được cất dưới chân cầu thang.

Đi tìm câu hỏi: Đến bao giờ, Bảo tàng Hà Tĩnh mới được xây dựng và liệu các cổ vật, hiện vật đang được “tá túc” tại đây có chịu được sự bào mòn của thời tiết, khí hậu nóng ẩm nhiệt đới trong điều kiện bảo quản như hiện nay ở bảo tàng Hà Tĩnh hay không, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) Hà Tĩnh.

Theo Trưởng Ban Quản lý các dự án xây dựng cơ bản ngành VH, TT và DL Trần Ngọc Bảo, chủ trương xây dựng bảo tàng đã được tỉnh Hà Tĩnh bàn từ những năm 2009, tuy nhiên do đặc thù của việc thiết kế, xây dựng và những khó khăn từ việc huy động kinh phí nên quá trình khởi động dự án kéo dài từ năm này, đến năm khác. Ông Trần Ngọc Bảo cho biết: “Ban đầu, Bảo tàng Hà Tĩnh được quy hoạch xây dựng tại Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh nhưng qua quá trình khảo sát, thiết kế xây dựng, nhóm tư vấn cho rằng diện tích, cơ sở hạ tầng… của vị trí hiện tại không đáp ứng quy mô xây dựng, hiệu quả khai thác nên cần tìm một địa điểm khác. Sau khi xác định được vị trí xây dựng mới, địa phương gặp rất nhiều khó khăn về việc huy động nguồn lực do thắt chặt đầu tư công. Vì vậy tiến độ triển khai xây dựng bảo tàng bị chậm lại”.

Được biết, đến thời điểm hiện nay, sau khi hoàn thành Đề án xây dựng bảo tàng Hà Tĩnh, Sở VH, TT và DL Hà Tĩnh đã công khai tổ chức thi tuyển kiến trúc xây dựng bảo tàng, dự kiến đầu năm 2018, sau khi lựa chọn được phương án thiết kế, hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, dự án xây dựng Bảo tàng Hà Tĩnh sẽ được khởi công.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, qua 10 năm thực hiện Quy hoạch xây dựng hệ thống bảo tàng trên toàn quốc, bên cạnh những kết quả đạt được, không ít bảo tàng ở nước ta sau khi đầu tư, xây dựng quy mô đã không phát huy được công năng sử dụng do chưa có sự hợp lý giữa đầu tư cho xây dựng công trình kiến trúc và đầu tư cho nội dung, không gian trưng bày. Vì vậy, với điều kiện khó khăn về nguồn lực như ở Hà Tĩnh, địa phương cần tính toán căn cơ, lựa chọn phương án xây dựng phù hợp để khai thác tối đa những giá trị quý báu của hiện vật trưng bày, đồng thời cần cân đối nguồn lực để xác định tiến độ và hạng mục ưu tiên. Trước mắt, tỉnh cần triển khai ngay các biện pháp bảo vệ, lưu giữ nguyên trạng các hiện vật, cổ vật đã có, đồng thời tăng cường công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật, chuẩn bị tiền đề cho việc trưng bày, khai thác tối đa giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của các hiện vật khi bảo tàng mới được xây dựng.

Ngô Tuấn

Nguồn: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/32122302-gan-10-nghin-co-vat-hien-vat-dang-xep-kho-tai-bao-tang-ha-tinh.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.