Archive | 21 Tháng ba, 2017

Gốm Lý – Trần trong bối cảnh lịch sử

Trong tiến trình lịch sử suốt hơn 4000 năm tồn tại và phát triển, đất nước Việt Nam từng bước, từng bước đi lên và phát triển cho đến ngày nay. Bề dày lịch sử suốt mấy ngàn năm khiến những giá trị văn hóa từng sáng chói một thời nay như lớp trầm tích lắng đọng bởi thời gian. Suốt ngần ấy năm lịch sử, gốm sứ vẫn tồn tại, phát triển và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, nhưng hiếm ai còn nhớ đến thời kỳ vàng son của loại hình nghệ thuật này.

Không ồn ào như các loại hình diễn xướng, gốm sứ bình bình lặng lặng trải qua biết bao thăng trầm, ghi dấu trên thân mình những dấu vết khắc nghiệt của thời gian. Và nói đến gốm sứ không thể không nói đến gốm Lý – Trần: Đỉnh cao gốm Đại Việt.

Bối cảnh lịch sử

Thời Lý – Trần là thời kỳ phát triển hưng thịnh nhất ở Việt Nam với nhiều thành tựu cả về kinh tế – chính trị – xã hội – văn hóa – giáo dục và ngoại giao – quốc phòng. Mặc dù là 2 triều đại, nhưng đặc trưng của thời Lý – Trần là sự chuyển giao quyền lực rất nhẹ nhàng, không gây ra nhiều tranh chấp hay biến động to lớn nào cho đất nước. Vì vậy, 2 triều đại này có sự giao thoa đặc biệt về văn hóa, là sự thống nhất và phát triển văn hóa của hai thời kỳ lịch sử từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV.

Cùng với sự lớn mạnh về chính trị và kinh tế, các vương triều Lý – Trần đã chứng kiến một sự phát triển rực rỡ về văn hóa. Đây là giai đoạn thịnh đạt của nền văn hóa Đại Việt, như Lê Quý Đôn đã nhận định: “Nước Nam ở hai triều Lý, Trần nổi tiếng là văn minh”.

Đây là những thế kỷ phục hưng của nền văn hóa Việt cổ bản địa (văn minh Văn Lang – Âu Lạc) trên nền tảng của sự khôi phục độc lập dân tộc và sự giữ vững chủ quyền quốc gia qua những cuộc kháng chiến của Đại Việt chống Tống, Nguyên thắng lợi. Vị thế độc lập chính trị dẫn đến ý thức độc lập về văn hóa “Nam – Bắc đều chủ nước mình, không phải noi nhau (lời Trần Nghệ Tông). Chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức tìm về cội nguồn đã thấm đậm trong môi trường văn hóa Lý – Trần.

 

Công cụ sản xuất gốm thời Lý – Trần

Trong việc sản xuất gốm, phương tiện và công cụ vô cùng quan trọng, nó quyết định chất lượng sản phẩm gốm, ngoài ra còn phản ánh trình độ kỹ thuật của mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau. Thời kỳ Lý – Trần trong lòng các hiện vật thường có 4 – 5 dấu chân con kê. Từ những đặc điểm này chúng ta có thể tìm ra công cụ sản xuất gốm thời kỳ này bao gồm:

Con kê: từ dùng để chỉ những dụng cụ chống dính giữa các sản phẩm được sản xuất hàng loạt. Con kê có nhiều loại: con kê hình vành khăn, hình nón cụt, hình đĩa có đường kính từ 4,5 cm đến 6,5 cm. Con kê được làm bằng đất sét hoặc cao lanh đều có hình tròn hay hình chữ nhật và được sử dụng nhiều lần.

Hiện vật đĩa trong lòng có 4 dấu chân con kê

Bao nung (bao thơi) là phương tiện bảo vệ cho những sản phẩm gốm trong quá trình nung, không làm cho men hiện vật này khuếch tán ra ngoài và bụi lò bám vào hiện vật trong quá trình nung. Bao nung còn làm nhiệm vụ dàn đều nhiệt trên sản phẩm, ngoài ra nó còn làm giá đỡ để chồng lên nhiều sản phẩm trong một mẻ nung nhằm tận dụng không gian trong lò [14, tr.17].

Bàn xoay là phương tiện chủ chốt giúp người thợ làm chuẩn được hình dáng của sản phẩm nhất là những sản phẩm lớn vì đã số những sản phẩm đều có hình tròn từ bát, đĩa, âu, ang, thạp, tước, vò v.v..

Khuân in hoa văn thường được tạo hình tam giác hoặc đầu tròn tù, có đường nét hoa văn chìm hoặc nổi. Ngoài những phương tiện sản xuất trên công cụ sản xuất gốm thời kỳ này còn có màu nước, bút lông (hiện vật chum hoa nâu men bóng) hoặc khuân nhỏ để tạo những chi tiết hay đường nét hoa văn trên sản phẩm.

Hoa văn trong lòng bát được tạo bằng khuân in