Về bốn chiếc ấn thời Tây Sơn

Trong một bộ sưu tập tư nhân ở TP. Hồ Chí Minh, hiện lưu giữ bốn chiếc ấn thời Tây Sơn, hai chiếc được tìm thấy ở huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định và hai chiếc tìm thấy ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Bốn chiếc ấn đều bằng đồng, chế tạo thủ công theo cùng một phương pháp đúc và gia công kim loại, nên có cùng một kích thước: dày 0,7cm, rộng 11cm, cao 5,5cm, nặng 750gr.


Một bộ sưu tập ấn triện ở TP Hồ Chí Minh (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: VNN

Mỗi chiếc ấn đều có hai phần: núm và thân. Núm cao 4,5cm có hình con tiện đầu tròn, lưng ấn có hai bậc cấp. Trên hai cạnh dọc của bậc cấp trên có hai hàng chữ Hán khắc vạch kiểu chân, hàng phải ghi ngày tháng năm tạo ấn, hàng trái ghi tên ấn. Mặt ấn khắc tên ấn chữ Hán triện, nét khắc dày, rõ.

Chiếc ấn thứ nhất, tìm thấy ở huyện Vĩnh Thạnh năm 1994. Hàng chữ dọc bên phải lưng ấn ghi: “Tân Hợi niên đông tạo” (làm vào mùa đông năm Tân Hợi – 1791, tức năm thứ 4 niên hiệu Quang Trung, năm thứ 14 niên hiệu Thái Đức), hàng chữ dọc phía trái gồm bảy chữ: “Khâm Sai Tiền Thủy Chi Đô Đốc” (Đô đốc vua sai chỉ huy tiền quân của thủy binh). Mặt ấn có bảy chữ Hán triện: “Khâm sai/ Tiền Thủy chi/ Đô đốc”.

Chiếc ấn thứ hai cũng tìm thấy ở Vĩnh Thạnh, năm 1997. Hàng chữ bên phải lưng ấn ghi: “Bính Thìn niên quí đông nguyệt cát nhật tạo” (làm ngày tốt tháng 12 năm Bính Thìn – 1796, tức năm thứ 5 niên hiệu Cảnh Thịnh), hàng chữ dọc bên trái ghi: “Trung thủy chi Đại Đô đốc (Đại Đô đốc chỉ huy trung quân của thủy binh). Mặt ấn có sáu chữ Hán: “Trung thủy chi/ Đại Đô đốc”.

Chiếc ấn thứ ba được tìm thấy ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam) năm 1999. Lưng ấn, hàng chữ dọc bên phải ghi: “Bính Thìn niên trọng xuân nguyệt cát nhật tạo” (làm ngày tốt tháng 2 năm Bính Thìn – 1796), hàng chữ dọc bên trái ghi: “Tả bật đạo Trung Định hữu dinh định hùng nhị vệ Đô ty” (Đô ty chỉ huy vệ định hùng thứ hai thuộc dinh phía phải mang tên Trung Định của đạo quân tả bật). Mặt ấn có 13 chữ Hán triện: “Tả Bật đạo Trung Định / Hữu dinh định hùng / Nhị vệ Đô ty”.

Chiếc ấn thứ tư cũng được tìm thấy ở Thăng Bình cùng thời điểm với chiếc ấn thứ ba. Hàng chữ dọc bên phải lưng ấn ghi: “Đinh Tỵ niên mạnh xuân nguyệt cát nhật tạo” (làm ngày tốt tháng 1 năm Đinh Tỵ – 1797, tức năm thứ 6 niên hiệu Cảnh Thịnh), hàng chữ dọc bên trái ghi: “Trinh Hùng vệ phụng thất hiệu Phó Đô ty” (Phó Đô ty phụng mệnh chỉ huy hiệu thứ bảy trong vệ quân Trinh Hùng). Mặt ấn có 9 chữ Hán triện: “Trinh Hùng vệ phụng thất hiệu/ Phó Đô ty”.

Căn cứ những yếu tố trên, đối chiếu với sử liệu, có thể xác định về niên đại, triều đại cũng như chủ nhân của chúng. Bốn chức quan trong ấn: Đại Đô đốc, Đô đốc, Đô ty và Phó Đô ty. Đại Đô đốc, Đô đốc là những chức quan võ cao cấp được nhắc dưới thời Lê và dưới thời Tây Sơn, không thấy dưới thời Nguyễn. Còn Đô ty là võ quan chỉ huy một vệ quân và Phó Đô ty là cấp võ quan chỉ huy một hiệu của vệ quân thời Tây Sơn. Qua chiếc ấn thứ ba, ta thấy hệ thống đơn vị quân đội được sắp xếp: lớn nhất là “đạo”, kế tiếp là “dinh” rồi đến “vệ”. Binh chế nhà Lê, nhà Nguyễn không có đơn vị “đạo”. Về kiểu dáng, bốn chiếc ấn cùng có một mẫu với chiếc ấn thời Tây Sơn đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội).

Bốn chiếc ấn trên là những hiện vật quý, bởi hiện vật thời Tây Sơn, nhất là các hiện vật có niên đại tuyệt đối, còn lại không nhiều. Thông qua những hiện vật, chúng ta biết thêm thông tin về quân đội thời Tây Sơn như: phiên hiệu, đơn vị, chức quan.

Nguồn: Báo Bình Định (baobinhdinh.com.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.