Tìm hiểu cách thức sử dụng trống đồng Đông Sơn qua tư liệu khảo cổ học và dân tộc học

Trống đồng Đông Sơn là di vật tiêu biểu nhất, đặc trưng nhất của nền văn hóa Đông Sơn. Trong 90 năm qua, kể từ ngày phát hiện văn hóa Đông Sơn, trống đồng Đông Sơn luôn được các nhà khoa học nghiên cứu, tìm hiểu về tất cả các khía cạnh. Tuy nhiên, về chức năng cũng như cách thức sử dụng của trống đồng Đông Sơn vẫn chưa thực sự đồng nhất các quan điểm. Có ý kiến cho rằng, đây đơn thuần chỉ là một nhạc khí, nhưng cũng có ý kiến lại cho đây là vật biểu trưng quyền lực hoặc vừa là nhạc khí vừa là biểu trưng quyền lực. Song, xét về chung mọi ý kiến thì trống đồng là một loại nhạc khí được nhiều người công nhận hơn cả.

Là nhạc khí thì việc sử dụng nó được tiến hành ra sao? Vấn đề này cũng được các nhà khoa học dày công nghiên cứu. Việc nghiên cứu chủ yếu dựa trên các tư liệu về khảo cổ học và dân tộc học.

Thông qua các tư liệu về khảo cổ học

Trên khía cạnh khảo cổ học, nghiên cứu cách thức sử dụng trống đồng như một nhạc khí được căn cứ ở các đặc điểm trên bề mặt trống như cấu tạo, hiện trạng và hoa văn trên trống.

Về đặc điểm: Những trống đồng của văn hóa Đông Sơn đều thuộc loại I theo cách phân loại của F. Heger. Kết cấu trống đồng Đông Sơn gồm 4 phần: mặt, tang, thân và chân. Mặt trống hình tròn, giữa mặt đúc nổi hình mặt trời với 12 đến 18 tia, xung quanh trang trí nhiều băng hoa văn. Tang trống hơi phình ra, nối liền với mặt trống; thân trống hình trụ tròn thẳng đứng; phần chân hơi loe thành hình nón cụt. Có bốn chiếc quai chia làm hai cặp gắn vào tang và phần giữa trống, được trang trí hình bện thừng.

Như vậy vị trí đánh (gõ) trống chính là giữa mặt trống bởi chỗ này được đúc nổi hình mặt trời dày hơn để chịu nhiều tác động của vật đánh (dùi), các tia mặt trời sẽ làm lan tỏa âm thanh ra xung quanh. Tuy nhiên, phần tang và thân trống có thể cũng được đánh để tạo nên những đặc điểm âm thanh khác nhau. Ngoài ra, trống còn có một thùng cộng hưởng độc đáo: phần tang phình, phần thân và chân loe ra giúp cho trống có âm thanh vang xa, từ những âm thanh ban đầu được nhân lên về mặt cường độ. Một điều cần lưu ý là 4 quai trống được đúc đối xứng khá dày và chắc chắn. Điều này cho ta liên tưởng tới việc trống được luồn dây để treo lên trong quá trình sử dụng.

Về hiện trạng: Sau hàng nghìn năm tồn tại, nhiều chiếc trống đồng được tìm thấy còn tương đối nguyên vẹn. Xem xét về hiện trạng của nhiều chiếc trống đồng, ta thấy, phần lớn ở giữa mặt những chiếc trống, vị trí in nổi của mặt trời nhiều tia thường nhẵn, rỗ, hoặc bị biến dạng. Nguyên nhân có thể là do sự tác động thường xuyên của dùi? Điều này một lần nữa minh chứng trống chủ yếu được đánh/gõ vào vị trí chính giữa mặt trống.


Hình ảnh đánh trống trên mặt trống Cổ Loa (Nguồn: BTLSQG)

Trong nhiều tài liệu khảo cổ học, khi nhắc tới cách thức sử dụng trống đồng, phần lớn các tác giả đều dựa vào những họa tiết hoa văn trang trí trên trống. Xem xét trên bề mặt các trống như trống Ngọc Lũ, trống Hoàng Hạ, trống Cổ Loa và trống Sông Đà… ta có thể thấy bề mặt mỗi chiếc trống đều có 2 cảnh người đánh trống đối xứng nhau qua tâm. Theo đó thì một dàn trống thường có 4 chiếc cạnh nhau, phía trên là bốn người trong tư thế ngồi hoặc đứng dùng một cái cây dài để gõ thẳng đứng lên mặt trống. Theo Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội năm 1994) thì người xưa còn đào hố rộng ra rồi trống ở lơ lửng giữa hố, giúp âm thanh đã mạnh rồi lại mạnh hơn. Những hố cộng hưởng này còn thấy trên mặt trống đồng Ngọc Lũ.

Những tư liệu dân tộc học

Hiện nay, theo tác giả được biết, ở Việt Nam còn có một số dân tộc thiểu số sử dụng trống đồng trong sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng, tiểu biểu như người Mường, người Lô Lô, người Pu Péo… Đây là tư liệu quan trọng để đối sánh, so sánh tìm ra phương pháp sử dụng trống đồng như một nhạc khí của cư dân Việt cổ.

Cách đánh trống đồng của dân tộc Mường hiện nay tương đối giống như mô tả trên mặt các trống đồng đã kể trên, tức là theo lối giã gạo. Người Mường cũng dùng những dùi trống dài như chày giã gạo với khoảng 3 – 4 người đứng xung quanh để đánh vào mặt trống theo hướng thẳng đứng. Xem ra, cách đánh này chủ yếu mang tính tượng trưng của một tiết tấu vũ điệu hơn là về hiệu quả âm thanh. Do đó có thể hiểu tư thế để úp nằm của nó là để tiện cho nhiều người diễn tấu cùng một lúc. Trên thực tế, người Mường cũng đặt trống trên một cái giá gỗ thấp gồm hai thanh gỗ bắt chéo hình chữ thập làm sàn kê, có 4 chân ngắn để bớt hạn chế về nguyên tắc âm thanh.

Theo cuốn Phong tục tập quán các dân tộc Việt Nam (Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, năm 1997) thì phương thức diễn tấu trống đồng của các tộc khác như Lô Lô và Pu Péo tương đối giống với các dân tộc ở Hoa Nam (Trung Quốc).

Ngày nay, đồng bào Lô Lô nhiều vùng còn giữ được những bộ trống đồng, mỗi bộ gồm hai cái: trống đực (nhỏ hơn) và trống cái (to hơn). Trống có 4 quai bố trí thành từng cặp đối xứng nhau qua trục thân. Mặt và tang trang trí hoa văn nét nổi. Chính giữa mặt trống là hoa văn hình mặt trời với 12 tia. Trống đồng là loại nhạc cụ truyền thống nổi tiếng của người Lô Lô, tộc trưởng cất giữ trống đồng cho dòng họ, bảo quản bằng cách chôn xuống đất. Khi nào dùng thì mới đào lên. Khi dùng trống, họ đặt hai trống (đực và cái) treo quay mặt trống vào nhau. Người đánh trống đứng ở giữa cầm dùi đánh bằng hai đầu, cứ một đầu dùi đánh một trống và có tới 36 điệu đánh trống. Trống đánh giữ nhịp cho các điệu múa dân gian.


Người Lô Lô ở Hà Giang sử dụng trống đồng (Nguồn: Internet)

Hiện nay, người Pu Péo chỉ dùng trống đồng trong lễ làm chay. Cũng giống người Lô Lô, trống của người Pu Péo có 1 bộ gồm 1 trống đực và 1 trống cái. Bình thường cất trống trên sàn gác. Trước khi dùng phải cúng từng chiếc trống với lễ vật là hai bát rượu, con gà. Cúng xong, đổ rượu lên mặt trống rồi mới treo trống. Trống được treo ở cạnh cửa ra vào ở gian giữa, trống đực treo bên trái, trống cái treo bên phải. Hai mặt trống quay vào nhau. Người đánh trống phải là đàn ông đứng ở giữa dùng củ chuối gõ vào hai mặt trống theo sự điều khiển của thầy cúng. Người ta đánh trống, vui múa suốt một đêm một ngày. Đồng bào tin rằng hồn ngô lúa rất sợ tiếng trống vì thế họ chỉ làm chay sau khi mùa màng đã thu hoạch xong. Nhưng nếu vì hoàn cảnh phải dùng trống sớm hơn thì chỉ được đánh ba tiếng trống thôi – trống đực đánh một tiếng, trống cái hai tiếng.

Cách đánh trống của người Lô Lô và Pu Péo mô tả ở trên cũng cho thấy một phần cách nhìn này đối với từng cặp trống đực – cái có cao độ khác nhau.

Một vài nhận xét

Như vậy có thể thấy, trống đồng là một nhạc khí, vị trí để tác động lên trống chủ yếu là trung tâm của mặt trống, nơi có hình mặt trời được đúc khá dày. Tuy nhiên để tạo ra được những âm thanh khác nhau, có thể những vị trí xung quanh đó, bảo gồm cả tang và thân trống cũng được tận dụng để tác động.

Về tư thế, trống đồng được đánh dựa trên 2 kiểu chính: thứ nhất, ngửa mặt trống lên và tác động thẳng đứng xuống trung tâm mặt trống. Phía dưới chân trống có thể được kê lên cao hoặc tạo những “hố cộng hưởng”. Tuy nhiên, cách này chủ yếu mang tính chất diễn tấu, không mang lại hiệu quả về âm thanh; thứ 2, trống được buộc dây vào quai và treo lên, người đánh dùng dùi tác động vào mặt hoặc thân và tang trống. Cách này tạo có thể tạo ra được hiệu quả về âm thanh hơn và hiện nay vẫn còn được một số dân tộc thiểu số sử dụng.

Tùy thuộc vào kiểu đánh trống mà vật tác động lên trống (dùi) cũng dài ngắn khác nhau. Tuy nhiên, những chiếc dùi được làm bằng gỗ, đầu bọc vải để hạn chế làm biến dạng hoa văn trên trống.

Trải qua trên dưới 2000 năm, bên cạnh việc bảo lưu những nét đặc trưng từ thời Đông Sơn thì cũng có nhiều nét văn hóa đã mất, trong đó có phong tục đánh và sử dụng trống đồng. Do đó, việc phục dựng lại truyền thống đánh trống đồng ở người Việt hiện nay cũng còn nhiều quan điểm và luận giải khác nhau. Với phương pháp tiếp cận liên ngành khảo cổ học và dân tộc học, chúng ta có thể tìm hiểu về cách thức đánh trống đồng của người Việt cổ một cách tương đối toàn diện. Tuy nhiên, bài viết này chỉ có thể đưa ra những tư liệu mang tính chất gợi mở. Trong tương lai, cần có những nghiên cứu thêm về vấn đề này.

Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Minh Huyền 1996. Văn hóa Đông Sơn, tính thống nhất và đa dạng. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

2. Hán Văn Khẩn (Chủ biên) 2008. Cơ sở Khảo cổ học. Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội.

3. Nguyễn Đình Khoa 1983. Các dân tộc ít người ở Việt Nam. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

4. Hà Văn Tấn (Chủ biên) 1994. Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

5. Phạm Huy Thông (Chủ biên) 1990. Dong Son Drums in Viet Nam. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

6. Viện dân tộc học 1987. Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc). Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

7. Nhiều tác giả 1999. Phong tục tập quán của các dân tộc Việt Nam. Nxb. Văn hóa – Dân tộc, Hà Nội.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.