Thành cổ Xương Giang – Bắc Giang

Thành Xương Giang nằm tại xã Đông Nham, tổng Thọ Xương (nay là phường Xương Giang, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Hiện tại, thành chỉ còn lại vài phế tích.


1. Quá trình xây dựng thành:

Thành Xương Giang do quân Minh xây dựng vào thế kỷ thứ 15, năm 1407, trong thời gian nhà Minh đô hộ Việt Nam.

Thành được xây bằng đất, các dấu tích còn lại cho biết thành hình chữ nhật, chiều dài theo hướng Đông – Tây đo được 600m, chiều rộng theo hướng Bắc – Nam 450m, diện tích 27ha, tường đắp đất cao dầy, bốn góc có pháo đài, hào rộng bao quanh, mở 4 cửa, cửa chính trông về phía Tây.

Để xây Thành quân Minh bắt hầu hết người dân từ 16 đến 60 tuổi ở khắp vùng Lạng Giang đều phải đến đây lao dịch, đào hào, khoét đồi lấy đất đắp thành.

Khảo sát thực tế và hồ sơ di tích thì dấu tích ngôi thành cổ xưa nay còn lại không nhiều, tường thành cao hơn mặt ruộng khoảng 3- 4m, chân rộng 25m, mặt rộng từ 16- 20m, 04 góc có 4 pháo đài cao hơn mặt thành 4m nhô hẳn ra ngoài, ngoài thành là hệ thống hào bao bọc.

Thành Xương Giang xưa tuy đặt ở vùng bằng phẳng nhưng lợi thế ở chỗ hiểm yếu. Thành này án ngữ con đường “Thiên Lý Bắc – Nam” xưa. Xung quanh thành địa hình cũ có hệ thống sông con, đầm lầy, rộc trũng bao quanh rất khó tấn công.

2. Vai trò của thành:

Thành Xương Giang là thành lũy kiên cố nhất của quân Minh án ngữ trên con đường dịch trạm từ vùng Lưỡng Quảng (Quảng Đông – Quảng Tây) Trung Quốc nối với Đông Quan (Hà Nội ngày nay).

3. Quân Lam Sơn đánh thành:

Tháng 2 năm 1427, tướng giữ thành Nghệ An là đô đốc Thái Phúc đầu hàng quân Lam Sơn, nộp thành. Lê Lợi sai Thái Phúc đến dưới thành Xương Giang kêu gọi Lý Nhậm (tướng giữ thành – mới được bổ nhiệm 20 ngày) đầu hàng. Lý Nhậm không chịu, mắng và định lấy súng bắn Thái Phúc. Quân Lam Sơn bèn mang Thái Phúc đi.

Các tướng Lam Sơn sau đó tập trung 8 vạn quân đánh thành. Trong quân có cả voi, dùng hàng rào rùa đen, xe Lã công, thang mây vây đánh. Lý Nhậm và Cố Phúc trong thành cho những người già, phụ nữ và thiếu niên ở lại giữ thành, tự mình mang quân tinh nhuệ mở cửa thành xông ra. Quân Lam Sơn hơi lùi, quân Minh bèn tiêu hủy những chiến cụ đánh thành.

Sau đó quân Minh yếu thế hơn lại phải rút vào thành. Quân Lam Sơn đắp lũy bên ngoài, dùng pháo bắn đạn rót vào trong thành. Lý Nhậm và Cố Phúc nhân lúc đêm tối lại mang quân ra đánh vào trại quân Lam Sơn. Hai bên giằng co không phân thắng bại.

Lê Sát và Nguyễn Lý lại dùng cách sai quân đào địa đạo, muốn đi ngầm vào thành. Lý Nhậm cho đào hào chắn ngang và ném đá xuống, nên những binh sĩ Lam Sơn đột nhập đều tử trận.

Trong suốt 6 tháng, các tướng Lê Sát, Lê Triện, Nguyễn Đình Lý, Lê Lãnh, Lê Thụ, thay phiên cầm quân tấn công thành Xương Giang nhưng đều không có kết quả. Hai bên giao tranh hơn 30 trận, quân Minh trong thành khởi đầu có hơn 2000 quân đã chết hơn một nửa nhưng quân Lam Sơn vẫn không hạ được thành.

Tháng 9/1427, tướng Trần Nguyên Hãn lãnh nhiệm vụ chỉ huy công thành. Ông cho đào công sự từ các khu rừng lân cận, đào hầm ngầm từ ngoài vào bên trong thành, tiến hành nội công ngoại kích với sự phối hợp của đội quân đã lọt được vào bên trong.

Đêm 28/9/1427, chưa đầy một canh giờ, Trần Nguyên Hãn đã chiếm thành. Toàn bộ quân Minh trong thành đều tử trận, các tướng võ Lý Nhậm, Cố Phúc và các quan văn Phùng Trí, Lưu Thuận, Lưu Tử Phụ đều tự sát.

Admin tổng hợp các nguồn:

  1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%ADn_X%C6%B0%C6%A1ng_Giang
  2. http://dulichbacgiang.gov.vn/diem-du-lich/di-tich-lich-su-van-hoa/den-xuong-giang-269.html
  3. http://vnthoisu.bplaced.net/?p=3063
  4. https://www.facebook.com/notes/%C4%91%C6%A1n-v%E1%BB%8B-t%C3%A1c-chi%E1%BA%BFn-%C4%91i%E1%BB%87n-t%E1%BB%AD-comrade-commissar-/tr%E1%BA%ADn-chi-l%C4%83ng-x%C6%B0%C6%A1ng-giang-8-10-%C4%91%E1%BA%BFn-3-11-1427/736575816465381/
  5. http://btlsqsvn.org.vn/DesktopModules/News.Display/Print.aspx?bai-viet=di-tich-thanh-xuong-giang-939

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.