Những pho tượng Phật cổ quý hiếm của Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar

Sáng ngày 6/11, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, nhà sưu tập cổ vật nổi tiếng Ngô Thị Thương vừa đưa ra trưng bày tại triển lãm Điêu khắc tượng Phật giáo hơn 100 pho tượng Phật cổ đến từ nhiều nước.

Tượng Phật bằng đồng. ẢNH: Quỳnh Trân, Thanh Niên

Tượng Phật bằng đồng. ẢNH: Quỳnh Trân, Thanh Niên

111 pho tượng cổ có xuất xứ từ Việt Nam, Nhật, Trung Quốc… đã được trưng bày tại triển lãm. Trong 111 pho tượng, 80 tượng được bày biện dựa trên ý tưởng từ 80 vẻ đẹp của Đức Phật. Tượng Nhật Bản chiếm 70% bộ sưu tập, còn lại là tượng ở Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan… Các tượng gồm Phật Thích ca Mâu ni, Phật bà Quan âm, Phật nghìn mắt nghìn tay, được đúc, tạc bằng đồng, gỗ, ngọc, gốm, san hô…

Bộ sưu tập pho tượng Phật cổ mang đậm nét văn hóa Phật giáo đa quốc gia. Các hiện vật này được các nghệ nhân trên thế giới chế tác kỳ công trên nhiều vật liệu khác nhau như: hổ phách, đồng, gốm sứ, gỗ, bạch ngọc, san hô… nên đa dạng và đẹp mắt.

Tượng Quán Thế Âm. Ảnh: Thanh Niên

Tượng Quán Thế Âm. Ảnh: Thanh Niên

Bà Ngô Thị Thương – chủ nhân bộ sưu tập – cho biết bà sưu tầm phần lớn tượng Nhật vì tâm đắc với đường nét tinh xảo. “Do đặc thù địa hình dễ bị động đất, tượng ở Nhật Bản thường được làm bằng gỗ quý, nhẹ. Cách điêu khắc cũng rất chỉn chu, tinh tế. Một pho tượng làm ít nhất trong một năm, nhìn rất có hồn”, bà nói. Nhiều tượng Phật của Việt Nam có niên đại từ thời nhà Tiền Lê, Lý, Trần… được làm chủ yếu bằng đồng, gốm.

Bà Thương bắt đầu sưu tập tượng Phật cách đây 30 năm. Thời trẻ, bà từng buôn bán cổ vật. Qua quá trình tìm hiểu Phật giáo, bà dần thấm nhuần và quyết tâm sưu tập tượng Phật. Có thời điểm bà gặp khó khăn tài chính, từng muốn bán một, hai tượng để có vốn tiếp tục kinh doanh. Sau đó, bà vay tiền để giữ lại các món cổ vật vì không nỡ bán.

Tượng Phật (đồng). Ảnh: Thanh Niên

Tượng Phật (đồng). Ảnh: Thanh Niên

Nhà sưu tập Ngô Thị Thương tâm sự: “Đây là tâm huyết của cả đời tôi với đề tài văn hóa Phật giáo, vì vậy mà tôi muốn tuyển chọn để đưa ra triển lãm cho mọi người chiêm ngưỡng sự tài hoa, tinh xảo của người xưa”.

Nhà nghiên cứu Phật học Trần Đình Sơn – khách tham dự sự kiện – đánh giá cao giá trị mỹ thuật của bộ sưu tập. Theo ông, triển lãm giúp người xem có cái nhìn tương quan giữa tượng Phật của Việt Nam với các nước. Chuyên gia cho biết thợ Nhật Bản luôn chi tiết, tỉ mỉ trong tay nghề, tính kỷ luật cao. Các bức tượng Nhật thường toát lên vẻ chuẩn mực, đẹp từ ngón tay, nếp áo đến bệ sen. Tượng Phật ở Thái Lan chủ yếu là tượng Thích ca do chịu ảnh hưởng từ Phật giáo Nam tông. Tượng Việt Nam – đặc biệt là ở miền Nam – có phần thô sơ, chân chất hơn do thời xưa, thợ làm tượng Phật chủ yếu không chuyên, ít có làng nghề lâu đời.

Thanh Tâm (Tổng hợp)
Nguồn: https://phatgiao.org.vn/nhung-pho-tuong-phat-co-quy-hiem-cua-viet-nam-thai-lan-trung-quoc-myanmar-d37919.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.