BTLSQG trưng bày chuyên đề “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”

Quốc hiệu là tên chính thức được dùng trong quan hệ ngoại giao, pháp lý, thương mại… biểu thị tính chính thống của một vương triều hay chính phủ của mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, quốc hiệu cũng thể hiện quốc thể, chủ quyền lãnh thổ, thể chế chính trị của một dân tộc trên trường quốc tế. Cùng với Quốc hiệu, kinh đô (Thủ đô) cũng luôn được các nhà nước đặc biệt coi trọng.

Trải qua hàng ngàn năm, đất nước Việt Nam đã mang nhiều quốc hiệu ứng với từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Việc đặt quốc hiệu của các triều đại phong kiến thể hiện lòng tự tôn dân tộc với các danh xưng như Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Nam, Việt Nam…; Việc lựa chọn vùng đất để đặt kinh đô cũng đặc biệt được coi trọng với vai trò là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế và văn hoá của cả một đất nước trong từng giai đoạn lịch sử nhất định. Kế thừa truyền thống dân tộc, sau khi thực hiện thành công Cách mạng tháng Tám và đấu tranh thống nhất đất nước, Việt Nam đã lấy quốc hiệu là nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và đặt thủ đô tại Hà Nội – Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước – Bộ Nội vụ, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ tổ chức trưng bày chuyên đề: “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”. Thông qua tư liệu mộc bản triều Nguyễn – Di sản Tư liệu thế giới và các hiện vật, các dấu tích kiến trúc là kết quả nghiên cứu khai quật, nghiên cứu khảo cổ học về các kinh đô cổ của Việt Nam, trưng bày mong muốn đem đến cho công chúng cả nước và bạn bè quốc tế những tư liệu lịch sử, bằng chứng vật chất thể hiện khát vọng và ý chí độc lập, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc của các bậc tiền nhân nước Việt.

Trưng bày “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”giới thiệu các nội dung chính sau:

1.Quốc hiệu Văn Lang, Âu Lạc và thời kỳ dựng nước đầu tiên.

2.Thời kỳ quân chủ phong kiến độc lập

2.1.Quốc hiệu Đại Cồ Việt và Kinh đô Hoa Lư dưới các triều Đinh, Tiền Lê, đầu triều Lý.

2.2.Quốc hiệu Đại Việt và Kinh đô Thăng Long dưới các triều Lý, Trần.

2.3.Quốc hiệu Đại Ngu (chữ “Ngu” nghĩa là sự yên vui) với Kinh đô An Tôn dưới triều Hồ.

2.4.Quốc hiệu Đại Việt và Kinh đô Đông Kinh dưới các triều Hậu Lê (Lê Sơ), Mạc, Lê Trung Hưng.

2.5.Quốc hiệu Đại Việt và Kinh đô Phú Xuân dưới triều Tây Sơn.

2.6.Quốc hiệu Việt Nam, Đại Nam và Kinh đô Huế dưới triều Nguyễn.

3.Sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay.

3.1.Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Thủ đô Hà Nội.

3.2.Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Thủ đô Hà Nội.

Một số hiện vật được giới thiệu trong trưng bày “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”.

 Khuôn đúc mũi tên, đá, 2.500 – 2.000 năm cách ngày nay. Khai quật thành Cổ Loa, Đông Anh,
Hà Nội. (Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long –  Hà Nội)
 Đầu rồng. Đất nung, thế kỷ 10-11. Vật liệu trang trí kiến trúc

      Tìm thấy tại Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. (Bảo tàng tỉnh Ninh Bình)

 Cột khắc kinh Phật đỉnh Tôn thắng Đà la ni (佛頂尊勝陀羅尼經) do Đinh Liễn dựng năm 973.

Tìm thấy tại Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. (Bảo tàng tỉnh Ninh Bình)

 Lá đề hình rồng, gốm men trắng. Thế kỷ 11-13. Vật liệu trang trí kiến trúc

Tìm thấy tại khu vực Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. (Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

 Đầu phượng, đất nung. Thế kỷ 11-13. Vật liệu trang trí kiến trúc

Tìm thấy tại khu vực Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. (Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội)

 Trang trí bờ nóc, hình rồng trong khuôn lá đề, đất nung. Thế kỷ 14-15. Vật liệu trang trí kiến trúc.

Khai quật tại di tích Đàn Nam Giao, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.

(Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ)

Xi vẫn, đất nung. Thế kỷ 15. Vật liệu trang trí gắn trên nóc mái công trình kiến trúc.
Khai quật tại di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội

(Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội)

 Bảo vật Quốc gia: Trống đồng Cảnh Thịnh. Thời Tây Sơn,
niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8, 1800 (Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
 Bảo vật quốc gia: Ấn “Đại Nam Thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ”. Ngọc.
Niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 7 (1847) (Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
 Tượng rồng. Vàng, gỗ. Niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 2 (1842)

Sưu tập hiện vật cung đình triều Nguyễn (Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Trưng bày “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử” sẽ khai mạc vào ngày 20/6/2019 tại BTLSQG, số 1, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Lê Đức Vịnh (Phó Trưởng phòng Trưng bày)

Nguồn: http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/4091/70853/btlsqg-trung-bay-chuyen-dje-quoc-hieu-va-kinh-djo-djai-viet-qua-cac-thoi-ky-lich-su.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.