Tag Archive | nghiên cứu

Núi Đọ – Di chỉ Khảo cổ học thời đại đồ đá cũ

Núi Đọ thuộc địa phận 2 xã Thiệu Tân (huyện Thiệu Hóa) và Thiệu Khánh (thành phố Thanh Hóa), ngay bên bờ hữu ngạn nơi hợp lưu của sông Mã và sông Chu, cách bờ biển Sầm Sơn 22km. Núi Đọ nằm trong vùng đồng bằng do bồi tích của sông Chu và sông Mã tạo nên, cách thành phố Thanh Hóa 7km về phía Bắc – Tây Bắc.

Đá ở núi Đọ có tinh thể rất kết thực, hạt rất mịn, màu xanh xám, khá cứng, rất khó ghè vỡ, nhưng khi ghè vỡ lại tạo nên những cạnh rất sắc. Đây là một vật liệu rất tốt, phù hợp trong việc chế tác công cụ, khi mà con người chưa tìm ra những loại vật liệu khác có nhiều ưu điểm hơn.

Cuối năm 1960, núi Đọ được các nhà khảo cổ học trẻ tuổi Việt Nam cùng với giáo sư P.I.Boriskovski phát hiện, nghiên cứu và chứng minh rằng, nơi đây đã tồn tại một nền văn hoá sơ kỳ thời đại đá cũ. Người nguyên thuỷ đã từng sinh sống ở núi Đọ, cách ngày nay khoảng 30-40 vạn năm.

Bằng nhiều phương pháp nghiên cứu như so sánh, thực nghiệm… các nhà khảo cổ học cho chúng ta biết rằng để tạo ra được mảnh tước, người nguyên thuỷ ở núi Đọ đã dùng đá đẽo đá: phải có một vật có độ cứng tương đương, có trọng lượng tương đối nặng mới ghè được đá. Đá là vật liệu tốt nhất để người nguyên thuỷ ở núi Đọ vừa chế tác công cụ, vừa dùng nó để tạo ra những công cụ. Phương pháp ghè đá là phương pháp ghè trực tiếp: người nguyên thuỷ hoặc cầm hạch đá trên tay, hoặc đặt hạch đá xuống đất và cũng có thể họ đặt trên một hòn đá khác, còn tay kia cầm hòn ghè bằng đá trực tiếp bổ xuống theo hướng đã định sẵn, để tách ra những mảnh tước. Ở núi Đọ, mảnh tước chiếm đa số di vật mà người ta đã tìm thấy.

Công cụ đá núi Đọ

Hình dáng, kích thước của các mảnh tước ở núi Đọ cũng rất khác nhau: có mảnh rất lớn (chiều dài tới 14.7cm, rộng 17cm, dày 6.2cm), đồng thời lại có mảnh nhỏ nhắn hơn (dài 4cm, rộng 5cm, dày 1cm). Diện ghè của các mảnh tước cũng rất khác nhau: có diện ghè rất rộng (dài 16.5cm, rộng 4.5cm) nhưng cũng có diện ghè rất nhỏ (dài 3.2cm, rộng 0.5cm).

Sưu tập mảnh tước

Nghiên cứu những dấu vết kỹ thuật trên các mảnh tước núi Đọ, các học giả cho rằng nó mang đầy đủ tính chất đặc trưng của mảnh tước Clắctôn điển hình. Đây là đặc trưng kỹ thuật cơ bản trong chế tác công cụ của con người thuộc sơ kỳ thời đại đồ đá cũ. Cũng căn cứ vào dấu vết kỹ thuật, dấu vết sử dụng để lại trên các mảnh tước, các nhà nghiên cứu cho biết rằng không phải tất cả những mảnh tước đều bị vứt bỏ, đều là phế liệu, mà có thể một số mảnh tước đã được người xưa sử dụng để cắt, nạo, hoặc chặt những cây mềm và nhỏ. Nhiều mảnh tước ở núi Đọ, vì vậy đã được sử dụng như một loại công cụ chân chính.

Bên cạnh mảnh tước là những hạch đá, tức là những hòn đá mà từ đó người ta ghè ra các mảnh tước. Những hạch đá này thường không có hình dáng nhất định, là những khối đá lớn, nặng nề, kích thước không giống nhau. Hạch đá không được sửa sang trước khi đem ghè đẽo ra mảnh tước – tức là không được định hình sẵn. Dấu vết của các nhát ghè để lại trên hạch đá cho thấy người núi Đọ khi ghè đá thường lấy mặt lõm của vết ghè trước làm diện ghè cho nhát ghè sau.

Ở núi Đọ, còn có khá nhiều công cụ được ghè đẽo qua loa, thường có một rìa lưỡi dày, mép uốn sóng, do những nhát ghè lớn chênh nhau ở hai mặt. Các nhà khảo cổ học gọi chúng là những công cụ chặt thô hay chopper. Đây là loại công cụ chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số công cụ của người nguyên thuỷ ở núi Đọ. Tuy nhiên rìu tay mới là những công cụ đẹp nhất của họ. Hình dáng và kỹ thuật, về tư duy của người nguyên thuỷ núi Đọ. Các nhà khảo cổ học cho chúng ta biết rằng rìu tay là loại công cụ tiêu biểu cho sơ kỳ thời đại đá cũ – giai đoạn Sen – A sơn (Chelléen – Acheuléen). Đó là loại công cụ duy nhất có hình dáng khá hoàn chỉnh và tương đối chính xác. Rìu tay ở núi Đọ khá hiếm. Đó là những công cụ có hình hạnh nhân, hình bầu dục. Một đầu rìu tay có hình gần mũi nhọn và đầu đối diện là đốc cầm. Đốc cầm thường to, dày, gần thành khối, cầm lọt lòng bàn tay. Rìu tay ở núi Đọ được ghè đẽo nhiều nhất trên cả hai mặt, có hình dạng cân xứng, có rìa lưỡi chạy xung quanh.

Rìu tay

Ngoài những loại hình công cụ trên, ở núi Đọ còn một loại công cụ nữa mà nhà khảo cổ học gọi là công cụ gần rìu. Đây là loại công cụ có hình dáng gần giống như những chiếc rìu tứ diện, nhưng có số lượng rất lớn và nhiều chiếc được ghè đẽo cả hai mặt. So với tất cả các loại công cụ khác ở núi Đọ, loại công cụ này không khác gì về kỹ thuật chế tác, về chất liệu, màu sắc mặt ngoài, độ phong hoá và cả kích thước.

Đa số công cụ gần hình rìu ở núi Đọ có dáng hình chữ nhật hoặc gần chữ nhật, mặt trên và mặt dưới thường song song với nhau. Một số công cụ này có rìa lưỡi ngang ở một đầu của hình chữ nhật, đồng thời hai cạnh dài của công cụ cũng được ghè đẽo cả hai mặt làm thành hai rìa tác dụng.

Nghiên cứu bộ di vật sưu tập được và hiện trạng của khu di tích, các nhà khảo cổ học nói với chúng ta rằng, người nguyên thuỷ ở núi Đọ đã dùng đá bazan ngay tại núi Đọ để chế tác tất cả các loại công cụ tại chỗ; vì vậy các nhà khảo cổ học đã gọi di tích núi Đọ là một di chỉ – xưởng. Đây cũng là một điều thường thấy ở nhiều địa điểm khảo cổ khác thuộc sơ kỳ đá cũ trên thế giới.

Nguồn: http://baotang.thanhhoa.gov.vn