Tag Archive | Đông Kinh

Nhà Mạc đắp thêm thành Đại La

Năm 1588, để đề phòng những cuộc tiến công của quân Lê – Trịnh, nhà Mạc lo tăng cường hệ thống thành lũy phòng vệ quanh thành Thăng Long. Nhà Mạc huy động dân bốn trấn vùng đồng bằng “đắp thêm ba lớp lũy ngoài thành Đại La ở Thăng Long.

Thành Đại La

Thành Đại La

Về cấu trúc thành lũy, thành Đông Kinh thời Lê sơ, hay Thăng Long thời Mạc vẫn dựa trên cơ sở thành Thăng Long – Đông Đô thời Lý, Trần.

Vòng thành ngoài cùng vẫn mang tên thành Đại La. Năm 1477, Lê Thánh Tông cho xây dựng lại vòng thành này trên cơ sở thành cũ.

Vòng thành thứ hai được chính thức gọi là Hoàng thành. Năm 1474 và 1500, nhà Lê cho sửa chữa và xây dựng lại tường thành phía tây và phía đông của Hoàng thành. Năm 1516, Hoàng thành được mở rộng thêm về phía đông “đắp thành to rộng mấy nghìn trượng”.

Vòng thành trong cùng gọi là Cung thành hay Phượng thành. Năm 1490, vòng thành này cũng được mở rộng.

Năm 1588, để đề phòng những cuộc tiến công của quân Lê – Trịnh, nhà Mạc lo tăng cường hệ thống thành lũy phòng vệ quanh thành Thăng Long. Nhà Mạc huy động dân bốn trấn vùng đồng bằng “đắp thêm ba lớp lũy ngoài thành Đại La ở Thăng Long, bắt đầu từ phường Nhật Chiêu (nay là phường Nhật Tân, quận Tây Hồ – Hà Nội), vượt qua Hồ Tây, qua Cầu Dừa (nay là ô Chợ Dừa thuộc phường Thịnh Quang, quận Đống Đa – Hà Nội) đến Cầu Dền (nay là Ô Cầu Dền, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng – Hà Nội), suốt đến Thanh Trì, giáp phía tây bắc sông Nhị Hà, cao hơn thành Thăng Long đến vai trượng, rộng 25 trượng, đào 3 lớp hào, đều trồng tre, dài tới mười mấy dặm để bọc phía ngoài thành” (Toàn thư, tập III, Sđd, tr. 164).

Những tòa ngang dãy dọc của “thành Đại La xưa”

Những tòa ngang dãy dọc của “thành Đại La xưa”

Trên bản đồ Hà Nội hiện nay, thành này bắt đầu từ Nhật Tân, chạy theo đường phía tây Hồ Tây, qua Bưởi, Ô Cầu Giấy, theo đường Giảng Võ – La Thành, qua Ô Chợ Dừa, Kim Liên, rồi theo đường Đại Cồ Việt, qua Ô Cầu Dền, theo đường Trần Khát Chân, tới Ô Đống Mác, ra tới chân đê sông Hồng. Thành này rộng hơn thành Đại La và đưa toàn bộ khu Hồ Tây vào trong phạm vi thành Thăng Long đời Mạc.

Năm 1592, sau khi đánh bại quân Mạc ở Thăng Long, Mạc Mậu Hợp chạy sang bên kia sông Nhị Hà, chiếm cứ một dải sông để tự vệ, Trịnh Tùng toan dẫn quân qua sông tiến đánh. Nhưng bấy giờ Trịnh Tùng trúng kế hoãn binh của hàng tướng nhà Mạc là Nguyễn Quyện: “Lệnh cho các quân san phẳng lũy đất thành Đại La dài đến mấy nghìn trượng, phát hết bụi rậm gai góc, cày lấp hào rãnh, phá hết thành đất bằng, không mấy ngày là xong. Đây là mưu của Nguyễn Quyện để làm kế hoãn binh cho họ Mạc” (Toàn thư, tập III, Sđd, tr. 173)… Tuy nhiên, quân Trịnh trong thực tế cũng không san bằng hết được toàn bộ vòng thành Đại La, chúng ta còn thấy nhiều đoạn thành Đại La do nhà Mạc đắp khá rõ, đó là: đoạn đường đất khá cao chạy từ chợ Bưởi cho đến Cầu Giấy, hoặc đoạn đường chạy từ Ô Chợ Dừa cho đến đầu khu tập thể Kim Liên (đầu phố Đào Duy Anh – Hà Nội, ngày nay), hoặc đoạn đường đê chạy từ đầu Ô Cầu Dền (Bạch Mai) đến Ô Đống Mác vừa được san đi để mở đường Trần Khát Chân…

Nguồn: http://homacvietnam.vn/?p=489

Hoàng thành Đông Kinh thời Lê Sơ (1428-1527)

Cuối thời Trần, chính sự mục nát, triều đình bị Hồ Quý Ly thao túng. Năm 1397, Hồ Quý Ly ép vua Thuận Tông là con rể của mình phải dời đô từ Thăng Long vào Tây Đô (Thanh Hóa), đổi tên Thăng Long thành Đông Đô. Năm 1400, Hồ Quý Ly truất ngôi vua của cháu ngoại mình là Trần Thiếu Đế, lên làm vua, lập ra nhà Hồ, lấy quốc hiệu là Đại Ngu, vẫn đóng đô ở Thanh Hóa. Giặc Minh phương Bắc thấy nước ta có biến, bèn lập kế “Phù Trần diệt Hồ”, lấy cớ đưa quân sang giúp nhà Trần giữ cơ nghiệp, nhưng kỳ thực là xâm chiếm nước ta. Năm 1407, cha con Hồ Quý Ly rơi vào tay giặc Minh, nước ta lại bị giặc Bắc đô hộ, thành Đông Đô bị nhà Minh đổi thành Đông Quan, hàm ý rằng nước ta chỉ là một phần trong lãnh thổ của chúng. Năm 1418, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, đến năm 1428 thì dẹp tan quân Minh, đem lại nền thái bình cho đất nước. Sau khi dẹp tan giặc ngoại xâm, Lê Lợi lên ngôi vua, mở ra triều đại nhà Lê. Lê Thái Tổ quyết định vẫn đóng đô tại thành Thăng Long cũ, nhưng đổi tên Đông Quan thành Đông Kinh, hàm ý đó là kinh đô của một nhà nước độc lập, chứ không phải là phủ quan như ý muốn của nhà Minh.

thanglong3

Vậy là chỉ trong hơn 30 năm giai đoạn này, Thăng Long được/bị đổi tên tới 3 lần.

Hoàng thành thời nhà Lê được mở rộng gấp đôi so với Hoàng thành thời nhà Lý và thời nhà Trần.

Hoàng thành Đông Kinh có 3 cửa. Cửa phía Đông còn gọi là cửa Đông Hoa ở vị trí khoảng Hàng Cân, Hàng Đường ngày nay. Cửa phía Nam còn gọi là cửa Đại Hưng nằm ở khoảng Cửa Nam ngày nay. Cửa phía Tây còn gọi là cửa Bảo Khánh thuộc khu Giảng Võ hiện nay. Về cơ bản, Hoàng thành Đông Kinh được chia làm hai phần: Phần thứ nhất gọi là Cung thành, là nơi ở và làm việc của vua; Phần thứ hai là Hoàng thành.

Cung thành thời Lê có hình chữ nhật, tường thành được xây bằng gạch, cửa chính Đoan Môn ở phía Nam. Hai bên có hai cửa nách là Đông Tràng An và Tây Tràng An.

Năm 1428, Lê Thái Tổ cho xây dựng lại một loạt cung điện làm nơi thiết triều, nơi nhà vua làm việc và nơi ở của hoàng cung. Nổi bật trong số đó là điện Kính Thiên, Cần Chính, Vạn Thọ. Sau đó, Lê Thái Tổ lại cho dựng nhiều cung điện lớn khác, như Hội Anh, Cẩn Đức, Tường Quang, Giảng Võ, Thúy Ngọc, Thừa Hoa, Kim Loan, Bảo Quang, Thừa Thiên…

Điện Kính Thiên là điện chính, điểm nhấn trong quần thể lầu điện trong Cung thành thời Lê. Điện này được xây dựng lại trên nền cũ của điện Càn Nguyên, Thiên An thời Lý, Trần, nghĩa là nằm tại vị trí núi Nùng. Đây là nơi thiết triều, nhà vua cùng bá quan văn võ bàn tính việc nước, việc quân. Điện Kính Thiên được vua Lê Thánh Tông sửa lại năm 1965. Năm 1967, Lê Thánh Tông lại cho dựng đôi rồng đá ở hai bên thềm trước điện này. Đôi rồng đá ấy cho đến nay vẫn còn tồn tại và là di tích nổi tiếng tại Khu Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Phía trước điện Kính Thiên, vua cho dựng điện Thị Triều dành cho các quan vào chầu vua, đồng thời dựng điện Chí Kính bên phải, điện Vạn Thọ bên trái.

Phía Đông Cung thành, nhà Lê dựng khu Đông Cung bao gồm hệ thống cung điện là nơi ở của hoàng thái tử và điện Phụng Tiên là nơi thờ cúng tổ tiên của nhà vua. Cũng vì thái tử ở khu Đông Cung, nên dân gian vẫn gọi thái tử là Đông Cung, hoặc Đông Cung Thái tử.

Hoàng thành Đông Kinh càng về cuối đời Lê càng được xây dựng bề thế, hoành tráng. Tuy vậy, việc xây dựng cung điện thời kỳ này chủ yếu phục vụ nhu cầu ăn chơi xa đọa của vua, khiến ngân khố kiệt quệ, nhân dân khốn cùng, các sử gia khi chép về những việc này đều nghiêm khắc phê phán.

Lê Hiến Tông, ông vua thứ 5 của triều đại Lê Sơ, trị vì từ năm 1497 đến năm 1504. Trong suốt thời gian trị vì, Hiến Tông cho xây dựng thêm nhiều cung điện tráng lệ: Thượng Dương, Giám Trị, Đồ Trị, Trường Sinh, hay điện Lưu Bôi với hệ thống dẫn nước từ xa về.

Đỉnh điểm của hoạt động xây dựng cung điện tràn lan là Lê Tương Dực, vị vua thứ 8 của triều đại Lê Sơ. Tương Dực yêu cầu Vũ Như Tô thiết kế và trực tiếp chỉ đạo xây dựng tòa đại điện hơn trăm nóc, có gác Cửu Trùng đài sừng sững, đồ sộ. Phía trước tòa đại điện này là hồ nhân tạo rộng, thông với sông Tô Lịch để tiện cho việc du ngoạn của nhà vua. Công trình khiến ngân khố quốc gia kiệt quệ, dân chúng và quân lính phải nộp thuế, lao công vừa kiệt quệ, vừa cực nhọc bị chết nhiều không kể xiết. Bởi vậy, họ nổi dậy giết chết Tương Dực và Như Tô.

Thời kỳ này, Hoàng thành Đông Kinh rơi vào giai đoạn bạo loạn triền miên, cung điện được xây dựng nhiều nhưng cũng bị đốt phá nhiều.

Nguồn: http://www.hoangthanhthanglong.vn/blog/hoang-thanh-dong-kinh-thoi-le/659