Tag Archive | Đinh Tiên Hoàng

Nhà Tiền Lê (980-1009)

Nhà Tiền Lê trị vì đất nước ta trong 29 năm, trải qua 3 đời vua, bao gồm: – Lê Đại Hành (980-1005) – Lê Trung Tông (1005) – Lê Ngọa Triều (1005-1009) 
 ♦ Lê Ðại Hành (980-1005): 
 

Niên hiệu: Thiên Phúc (980-988); Hưng Thống (989-993); Ứng Thiên (994-1005).

Lê Hoàn sinh năm 941 ở Xuân Lập, Thọ Xuân, Thanh Hoá, trong một gia đình nghèo khổ. Lớn lên, Lê Hoàn đi theo Nam Việt vương Ðinh Liễn. Dù chỉ là lính thường nhưng trí dũng khác thường, tính tình phóng khoáng nên được cha con Ðinh Bộ Lĩnh yêu mến. Trong công cuộc đánh dẹp các sứ quân, thống nhất đất nước lập lên cơ nghiệp nhà Ðinh, Lê Hoàn được phong chức Thập Ðạo tướng quân Ðiện tiền đô chỉ huy sứ (tổng chỉ huy quân đội kiêm chỉ huy đội quân cấm vệ) của triều đình Hoa Lư. Lúc này Lê Hoàn tròn 30 tuổi.

Tháng 10 năm Kỷ Mão (979), cha con Ðinh Tiên Hoàng bị Ðỗ Thích giết hại, Ðinh Toàn 6 tuổi lên ngôi vua, Lê Hoàn làm nhiếp chính trong một tình thế đầy khó khăn. Các đại thần Ðinh Ðiền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp nổi loạn nhưng đã bị Lê Hoàn dẹp tan. Ngô Nhật Khánh, phò mã nhà Ðinh bỏ trốn vào Nam rước vua Chămpa cùng hơn nghìn chiến thuyền toan cướp kinh đô Hoa Lư nhưng bị bão đắm hết. Tháng 7 năm Canh Thìn (980) đại quân Tống theo đường thuỷ bộ xâm lược Ðại Cồ Việt. Lê Hoàn lúc này đã lên ngôi hoàng đế tức Lê Ðại Hành, vừa triển khai lực lượng sẵn sàng chiến đấu vừa sai sứ đưa thư cầu hoà. Vua Tống đòi Dương Vân Nga và con là Ðinh Toàn sang chầu. Tình thế bức bách, Lê Hoàn buộc phải cho quân đánh giặc quyết bảo vệ đất nước. Ông đã tái tạo một Bạch Ðằng, sáng tạo một Chi Lăng, thắng lớn trên cả hai mặt trận thuỷ bộ giết tướng giặc Hầu Nhân Bảo, diệt quá nửa quân Tống, buộc vua Tống phải xuống chiếu lui quân.

Ðại thắng năm Tân Tỵ (981) đã mở đầu kỷ nguyên Ðại Việt bách thắng bọn phong kiến phương Bắc.

Không chậm trễ, Lê Hoàn dốc sức chăm lo xây dựng và bảo vệ đất nước. Bên trong Lê Hoàn chống cát cứ, xây dựng cơ sở của nền kinh tế. Ðối với bên ngoài ông thi hành chính sách ngoại giao mềm dẻo khôn khéo nhưng kiên quyết bảo vệ nền độc lập của đất nước. Ông là vị vua nội trị, ngoại trị đều xuất sắc.

Năm Quý Tỵ (993), nhà Tống sách phong cho vua làm Giao Chỉ quân vương rồi năm Ðinh Dậu (997) là Nam Bình Vương.

Năm Ăt Tỵ (1005) vua Ðại Cồ Việt mất, thọ 65 tuổi, làm vua được 26 năm. Theo thông lệ, khi vua mất chưa đặt tên thuỵ thì gọi là Ðại Hành. Trường hợp vua Ðại Cồ Việt lấy Ðại Hành lạm thuỵ hiệu là vì Lê Ngoạ Triều và triều thần không đặt tên thuỵ cho ông.

♦ Lê Trung Tông (1005): 

Vua Lê Ðại Hành có 4 hoàng tử là Long Du, Ngân Tích, Trung Tông Long Việt và Lê Long Ðĩnh (Ngoạ Triều). Vua Ðại Hành định cho người con thứ ba là Long Việt làm Thái tử. Nhưng đến lúc vua mất, các em hoàng tử tranh nhau ngôi, đánh nhau trong 7 tháng. Ðến khi Long Việt vừa lên ngôi được 3 ngày thì bị em là Long Ðĩnh sai người vào cung giết chết, thọ 23 tuổi. Sử gọi là Lê Trung Tông.


♦ 
Lê Ngọa Triều (1005-1009): 

 

Niên hiệu: Cảnh Thuỵ (1008-1009).

Long Ðĩnh là người bạo ngược, tàn ác như Kiệt, Trụ ở bên Tàu. Khi giết anh, chiếm được ngôi vua, Long Ðĩnh càng tàn bạo. Vua hay lấy việc giết làm trò chơi.

Long Ðĩnh làm vua được 2 năm đổi Niên hiệu là Cảnh Thuỵ. Năm sau (1009) thì mất, làm vua đựoc 4 năm, thọ 24 tuổi. Long Ðĩnh mất, con tên là Sạ còn bé, đình thần nhân dịp tôn Lý Công Uẩn lên làm vua khởi dựng sự nghiệp triều Lý hiển hách.
Như vậy nhà Tiền Lê tồn tại trong 29 năm, trải qua 3 đời vua.
 
♦ Thái hậu Dương Vân Nga 
Khi đề cao võ công văn trị của Ðinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn, những anh hùng của công cuộc thống nhất đất nước không thể không kể đến sự cống hiến của Dương Vân Nga đối với đất nước. Có thể xem Dương Vân Nga là cái đầu nối giữa Ðinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn, người làm cho công cuộc thống nhất đất nước do Ðinh Bộ Lĩnh khởi xướng được Lê Hoàn hoàn tất. Sự nghiệp chính trị của người phụ nữ ấy đã không được sử cũ chú ý đến mà lại cứ tập trung vào thân phận làm vợ của bà. Vốn là con ông Dương Thế Hiển quê ở vùng Nho Quan, Ninh Bình (có tài liệu nói bà tên là Dương Thị Ngọc Vân, con gái Dương Tam Kha) rồi trở thành vợ Ðinh Bộ Lĩnh, nên sau khi chồng bị ám hại, để lại đứa con 6 tuổi kế nghiệp Hoàng Ðế, Dưong Vân Nga đã phải cáng đáng những khó khăn vượt quá sức mình. Sự nghiệp thống nhất đất nước vừa được hoàn thành, bị đe doạ từ nhiều phía. Bên ngoài phong kiến phương Bắc sửa soạn đại binh xâm lược. Bên trong, các triều thần phân biệt tranh chấp gay gắt có nguy cơ nổ ra nội chiến lớn. Là người có tầm nhìn xa thấy rộng, Dương Vân Nga nhận rõ chỉ có Thập Ðạo tướng quân Lê Hoàn là người có khả năng giải quyết tình hình nghiêm trọng ấy. Nếu Dương Vân Nga không biết đặt lợi nước lên trên quyền lợi của dòng họ, bà có thể dựa vào một quyền thần để chống lại quyền thần khác, ngoan cố bảo vệ ngai vàng cho đứa con nhỏ của mình, sẽ gây ra nạn bè đảng, tranh chấp, đẩy đất nước vào hoàn cảnh rối loạn. Vậy mà chỉ vì Dương Vân Nga đã lấy chiếc long bào choàng lên vai Lê Hoàn, về sau lại trở thành vợ Lê Hoàn mà sử sách phong kiến đã xoá sạch công lao của bà. Ngược lại cách nhìn nhận trên, nhân dân ta có thái độ rộng lượng và đúng đắn. Vùng Hoa Lư còn lưu truyền thuyết đẹp về Dương Vân Nga nhằm ghi nhận công lao của bà.

Nguồn: http://www.vietnamtourism.com/index.php/about/items/1953

Cố đô Hoa Lư

Hoa Lư được chọn là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến tập quyền khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế năm 968…. Ngày nay dấu tích của Cố Đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, cách thủ đô Hà Nội gần 100 km về phía Nam. Tuy chỉ được chọn làm kinh đô của nước Đại Cồ Việt trong thời gian ngắn ngủi ( 42 năm ) nhưng tại nơi đây đã diễn ra rất nhiều sự kiện có liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc như: gắn với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống – dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội.

Du lịch Cố Đô Hoa Lư Ninh Bình
Du lịch Cố Đô Hoa Lư Ninh Bình

Theo sử sách thì cố đô Hoa Lư và đôi câu đối đền Vua Đinh thì ta thấy rằng: Hoa Lư xưa là 1 cung điện nguy nga, tráng lệ không kém gì Thành Trường An “ Cồ Việt Quốc Đương Tống Khai Bảo – Hoa Lư Đô Thị Hán Trường An ”…. Nếu nhìn về mặt địa lý ta sẽ hiểu vì sao khi lên Ngôi Vua Đinh Tiên Hoàng lại lựa chọn Hoa Lư làm kinh đô bởi: Những núi đồi trùng điệp bao bọc xung quanh vòng đai kinh đô như tấm bình phong; sông Hoàng Long uốn khúc và cánh đồng Nho Quan, Gia Viễn mênh mông là hào sâu thiên nhiên rất thuận lợi về mặt quân sự.

Kinh đô Hoa Lư xưa rộng khoảng 300 ha, gồm Thành Ngoại, Thành Nội và Thành Nam, được bao quanh bởi hàng loạt núi đá vòng cung, cảnh quan hùng vĩ, khoảng trống giữa các sườn núi được xây kín bằng đất ken gạch, chân thành có gạch bó, đắp cao từ 8 – 10 mét. Thành Ngoại rộng khoảng 140 ha thuộc địa phận thôn Yên Thành, xã Trường Yên. Ðây là cung điện chính mà khu vực đền Ðinh, đền Lê là trung tâm và cũng chính là nơi vua Ðinh Tiên Hoàng cắm cờ dựng nước. Trước cung điện có núi Mã Yên tương truyền vua Ðinh đã lấy nơi này làm án.

Kinh thành Hoa Lư xua gồm 2 vòng thành nằm cạnh nhau và một vùng núi kề sát. 3 vòng tạo thành hình giống số 80 hướng về phía đông. Theo cách bố trí thời Đinh Lê các nhà nghiên cứu chia làm 3 vòng thành là thành Đông, thành Tây và thành Nam. Tuy nhiên do thành Nam chỉ là vùng căn cứ quân sự hiểm trở, phòng thủ mặt sau mà nó thường được dân gian gọi riêng là thành Tràng An, 2 vòng thành kia là nơi đặt cung điện nên còn được gọi là thành Hoa Lư…. Đến năm 1010 Vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long thì Hoa Lư chỉ còn là Cố Đô được coi là một căn cứ địa quân sự hết sức quan trọng của quân và dân Đại Việt dưới các triều đại: Lý – Trần – Lê – Mạc – Tây Sơn…..

Cổng vào cố đô Hoa Lư Ninh Bình
Cổng vào cố đô Hoa Lư Ninh Bình

Ngày nay hình ảnh của Cô Đô Hoa Lư tuy không còn nguyên vẹn mà thay vào đó là đền thờ: Vua Đinh – Vua Lê được dựng ngay trên nền của Cố Đô Hoa Lư xưa. Hai ngôi đền cách nhau khoảng 500m, do khoảng cách gần nhau nên du khách thường gọi “ Cố Đô Hoa Lư ” là “ Đền Vua Đinh – Vua Lê ”.

Ðền vua Ðinh được xây theo kiểu “Nội công ngoại quốc” trên nền cung điện chính thuở xưa, uy nghi với ngọ môn quan, hồ sen, núi Giả, vườn hoa, nghi môn ngoại, nghi môn nội cùng ba toà bái đường, Thiêu hương và hậu cung. Tại bái đường có “Long Sàng” làm bằng đá nguyên khối với đôi nghê đá rất sống động. Tiếp đó là nhà thiêu hương thờ các vị khai quốc công thần. Trong cùng là hậu cung đặt tượng vua Ðinh Tiên Hoàng cùng các con trai ông. Các hình chạm khắc trên đá, trên gỗ với các đề tài rồng, mây, tiên nữ, hoa lá… trang trí tại đền đều khá tinh xảo.

Đền thờ Vua Đinh và Vua Lê Hoa Lư Ninh Bình
Đền thờ Vua Đinh và Vua Lê ở Hoa Lư Ninh Bình

Ðền vua Lê nằm cách đền vua Ðinh chừng 500 mét thờ vua Lê Ðại Hành. Ðền vua Lê có quy mô nhỏ hơn nhưng có có ba toà: Bái đường, Thiêu hương thờ Phạm Cự Lượng, người đã có công giúp Lê Hoàn lên ngôi; Chính cung – thờ vua Lê Ðại Hành (tức Lê Hoàn) ở giữa, bên phải là Lê Ngoạ Triều (con trai vua Lê), bên trái là Hoàng hậu Dương Vân Nga. Ðền vua Lê còn giữ nhiều dấu tích kiến trúc cổ với những mảng chạm trổ công phu, điêu luyện. Tại đây người ta đã tìm thấy di tích nền cung điện cũ cùng một số gốm sứ cổ. Những hiện vật quý này được lưu giữ tại phòng bảo tàng phía trái khu đền. Khu di tích Hoa Lư còn có một số ngôi chùa khá đẹp như: chùa Ngân Xuyên (gần chân núi Mã Yên), chùa Nhất Trụ (cách đền vua Lê khoảng 200 mét) thu hút được nhiều du khách đến dâng hương, vãn cảnh.

Đền thờ Vua Đinh và Vua Lê Hoa Lư Ninh Bình
Đền thờ Vua Đinh và Vua Lê ở Hoa Lư Ninh Bình

Với khoảng cách 100km tính từ Hà Nội và sự thuận tiện của hệ thống giao thông thì bạn chỉ mất khoảng hơn hai tiếng đồng hồ đi Ôtô… Đến đây và được nghe những câu chuyện về các vị vua được kể một cách giản dị, thành kính và đầy tự hào của các thuyết minh viên tại đểm chắc chắn sẽ khiến chi bạn có cảm giác tự hào về lịch sử nước nhà.

Nguồn: http://tourdulich.org.vn/diem-den-trong-nuoc/ninh-binh/co-do-hoa-lu/

Nhà Đinh (968-980)

Nhà Ðinh trị vì đất nước ta trong khoảng 13 năm (968-980), trải qua 2 đời vua, bao gồm: – Đinh Tiên Hoàng; – Đinh Phế Đế. 

 ♦ Ðinh Tiên Hoàng (968-979): 

Niên Hiệu: Thái Bình (970-979).
 

Ðinh Bộ Lĩnh người động Hoa Lư, Châu Ðại Hoàng (Hoa Lư, Ninh Bình), con Ðinh Công Trứ, một nha tướng của Dương Ðình Nghệ giữ chức Thứ sử Châu Hoan. Ðinh Công Trứ mất sớm, Bộ Lĩnh theo mẹ về quê ở thường đi chơi với trẻ chăn trâu, bắt chúng khoanh tay làm kiệu để ngồi cho chúng rước và lấy bông lau làm cờ bày trận đánh nhau.

Lớn lên nhờ thông minh, có khí phách, lại có tài thao lược nên khi Bộ Lĩnh dựng cờ giấy nghĩa mong lập nghiệp lớn, dân làng theo ông rất đông, nhưng vì bất hoà với chú, Bộ Lĩnh cùng với con là Ðinh Liễn sang ở với sứ quân Trần Minh Công ở Bố Hải Khẩu (Vũ Thư, Thái Bình). Thấy Bộ Lĩnh là người khôi ngô có chí khí, Minh Công trao cho Bộ Lĩnh giữ binh quyền. Khi Trần Minh Công qua đời Bộ Lĩnh đem quân về giữ Hoa Lư chiêu mộ hào kiệt hùng cứ một phương.

Năm Tân Hợi (951) đời hậu Ngô Vương, Nam Tấn Vương, cùng Thiên Sách Vương đem quân đến đánh nhưng cả hai đều đại bại phải rút quân về. Ðến khi nhà Ngô mất, Ðinh Bộ Lĩnh dụ hàng được các sứ quân Ngô Xương Xí, phá được Ðỗ Ðộng của Nguyễn Cảnh Thạc. Từ đó, Ðinh Bộ Lĩnh đánh đâu được đấy, được tôn là Vạn Thắng vương, chỉ trong một năm, Ðinh Bộ Lĩnh đã bình được các sứ quân, lập thành nghiệp đế.

Năm Mậu Thìn (968) Vạn Thắng Vương lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu là Tiên Hoàng Ðế đặt quốc hiệu là đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Ðinh Tiên Hoàng xây cung điện, chế triều nghi, định phẩm hàm quan văn, quan võ, phong cho Nguyễn Bặc là Ðinh Quốc Công, Lê Hoàn là Thập Ðạo Tướng Quân (tổng chỉ huy quân đội) và phong cho con là Ðinh Liễn là Nam Việt Vương.

Về ngoại giao để tránh cuộc đụng độ với nhà Tống năm Nhâm Thân (972), Ðinh Tiên Hoàng sai con là Ðinh Liễn mang đồ vật sang cống. Vua nhà Tống sai sứ sang phong cho Tiên Hoàng là Giao Chỉ quận vương và phong cho Nam Việt Vương Ðinh Liễn là Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ An Nam đô hộ.

Từ đó nước ta giữ lệ sang triều cống phương Bắc. Ðinh Tiên Hoàng đã dẹp xong loạn sứ quân nhưng nhìn chung nhiều nơi vẫn chưa tuân theo luật lệ của triều đình. Bởi vậy để răn đe kẻ phản loạn, Ðinh Tiên Hoàng đặt vạc dầu ở trước điện, nuôi hổ báo ở trong vườn, tuyên cáo rằng ai phạm tội thì bỏ vạc dầu hoặc cho hổ báo ăn thịt. Dù chưa phải dùng hình phạt ấy nhưng mọi người sợ oai, phép nước được tuân thủ.

Nhưng rồi Ðinh Tiên Hoàng phạm sai lầm bỏ trưởng lập ấu, cho con út là Hạng Lang làm Thái tử. Con trưởng là Nam Việt Vương Ðinh Liễn đã theo Tiên Hoàng đi trận mạc từ thủa hàn vi, không được kế vị, tức giận, sai người giết Hạng Lang đi. Họa loạn gây nên ngay trong hoàng tộc.

Năm Kỷ Mão (979) Ðinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Ðinh Liễn bị tên Ðỗ Thích giết chết. Sử chép rằng tên Đỗ Thích trước khi làm hại, đêm nằm mơ thấy sao rơi vào mồm, tưởng là điềm báo được làm vua bèn định bụng sát hại minh chủ. Một hôm Ðỗ Thích thấy vua Ðinh say rượu nằm trong cung bèn lẻn vào sát hại rồi tìm giết nốt con cả là Ðinh Liễn. Triều thần tìm bắt được Ðỗ Thích đem xử tội và tôn Vệ Vương Ðinh Toàn lên làm vua.

Ðinh Tiên Hoàng làm vua được 12 năm, thọ 56 tuổi.

 ♦ Đinh Phế Đế (979-980): 

Ðinh Tiên Hoàng có 3 người con trai: Ðinh Liễn, Ðinh Toàn (có sách gọi là Ðinh Tuệ) và Ðinh Hạng Lang. Ðinh Liễn và Ðinh Hạng Lang đã chết mặc nhiên Ðinh Toàn kế nghiệp ngôi vua. Các đại thần Ðinh Ðiền, Nguyễn Bặc thấy vua còn nhỏ quyền bính nằm cả trong tay thập đạo tướng quân Lê Hoàn, lại nghi là Lê Hoàn tư thông với Dương Thái Hậu (Dương Vân Nga) nên cử binh mã đến đánh. Nhưng bị Lê Hoàn giết sạch. Giữa lúc ấy nhà Tống nghe tin Tiên Hoàng mất, các đại thần nước Việt phân liệt tranh chấp gay gắt, có nguy cơ nội chiến, muốn thừa thế sang lấy nước Việt mới hội đại binh ở gần biên giới. Lê Hoàn sai Phạm Cự Lượng làm đại tướng đem binh đi chống giữ. Trước lúc tiến quân Phạm Cự Lượng họp cả quân sĩ lại ở trong điện nói rằng: “Bây giờ quân địch sắp vào cõi mà vua thì còn bé, lấy ai mà thưởng phạt cho chúng ta. Dẫu chúng ta có hết sức lập được chút công nào thì rồi ai biết cho? chẳng bằng nay ta tôn Thập đạo tướng quân lên làm vua rồi ra đánh cũng chưa muộn. Quân sĩ nghe nói đều hô vạn tuế. Dương Vân Nga thay con cầm quyền trị nước cũng thấy rõ chỉ có Thập đạo tướng quân Lê Hoàn là người có khả năng gỡ rối được tình hình nghiêm trọng cần kíp lúc này. Huống chi ý chí quân đội cũng muốn tôn người chỉ huy của họ lên ngôi tối thượng thay cho vị vua mới 6 tuổi là con Dương Vân Nga. Bởi vậy, Dương Vân Nga đã lấy trước long bào, bà choàng lên vai Lê Hoàn trong tiếng hò reo dậy trời của quân sĩ. Sự tỏ ý nhường ngôi của Dương Vân Nga trong hoàn cảnh ấy, đã biểu hiện thái độ chính trị sáng suốt của một người, thức thời có tầm nhìn xa, trông rộng xứng đáng được coi là anh hùng”.

Ðinh Toàn chỉ làm vua được 8 tháng, sử gọi là Phế Ðế rồi tồn tại với tước vương (Vệ Vương) có mặt trong triều đình Tiền Lê 20 năm. Năm Tân Sửu (1001) trong dịp cùng vua Lê Ðại Hành (Lê Hoàn) đi dẹp loạn Cử Long thuộc vùng Cầm Thuỷ, Thanh Hoá, Ðinh Toàn bị trúng tên hy sinh trên chiến tuyến vào tuổi 27.

Như vậy, triều đình Đinh làm vua được 2 đời, cả thảy 14 năm. Lê Hoàn lên làm vua, Dương Vân Nga trở thành Hoàng Hậu.

Nguồn: http://www.vietnamtourism.com/index.php/about/items/1950