Tag Archive | Đại Hưng bình bảo

Tiền nhà Đinh: Thái Bình hưng bảo hay Đại Hưng bình bảo?

Trong hầu hết các sách xuất bản về tiền cổ Việt Nam ở trong và ngoài nước đều có nhắc tới tiền “Thái Bình hưng bảo”. Đó là tiền được đúc vào thời Đinh Tiên Hoàng. Có hai loại tiền “Thái Bình hưng bảo” – “Thái Bình hưng bảo” lưng trơn, chữ “Thái Bình hưng bảo” đọc chéo, thư pháp giữa hai thể chữ “Khải” và “Lệ”. 
Trong hầu hết các sách xuất bản về tiền cổ Việt Nam ở trong và ngoài nước đều có nhắc tới tiền “Thái Bình hưng bảo”.

Thái Bình hưng bảo (970-980)

 Đó là tiền được đúc vào thời Đinh Tiên Hoàng. Có hai loại tiền “Thái Bình hưng bảo”

– “Thái Bình hưng bảo” lưng trơn, chữ “Thái Bình hưng bảo” đọc chéo, thư pháp giữa hai thể chữ “Khải” và “Lệ”.

– “Thái Bình hưng bảo” mặt lưng có chữ “Đinh”. Có 4 loại chữ “Đinh” khác nhau về vị trí cũng như tự dạng.

Như vậy, tiền thời Đinh là có thật, cho dù loại hình khá đơn điệu và số lượng cũng không nhiều.

Bài viết này tôi muốn thảo luận về chữ “Thái”. Tôi đã được nhìn và sờ hàng trăm đồng “Thái Bình hưng bảo” nhưng không có một tự dạng nào khẳng định đây là chữ “Thái” mà đó chính là chữ “Đại”. Có lẽ các nhà nghiên cứu lịch sử, theo đó là các nhà nghiên cứu cổ tiền học đã căn cứ vào ghi chép của sự biên niên để định nhận cho đồng tiền này là “Thái Bình”: Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn “12 sứ quân”, thành lập nước Đại Cồ Việt, xưng là “Đại Thắng Minh hoàng đế”, 4 năm sau đó, tháng 1 năm Canh Ngọ (970) đặt niên hiệu là Thái Bình. Có một điều trùng hợp là ngay cả những ghi chép sớm nhất về tiền cổ nhà Đinh, Hồng Tuân thời Nam Tống (Trung Quốc) trong quyển “Tiền chí” cũng khẳng định có loại tiền “Thái Bình hưng bảo” với những miêu tả khá chi tiết. Vậy đây là tiền gì?


Theo quan niệm của tôi, có những cơ sở sau đây để đưa ra khả năng không có loại tiền “Thái Bình hưng bảo” mà chỉ có “Đại Bình hưng bảo”, đó là:

– Tự dạng không cho phép đọc chữ “Đại” thành chữ “Thái”. Có nhiều người giải thích rằng, tiền được đúc nên nét trên khuôn, sau khi đúc ra tiền, đã bị khuyết nét. Vậy thì, trong hàng trăm đồng tôi được xem, phải có chữ “Thái” không khuyết và mất nét? Thực tế, tiền Việt Nam cũng có loại tiền “Thái An thông bảo”, “Thái Hòa bảo phong” mà chữ “Thái” còn rõ ràng dấu chấm. Như vậy, kỹ thuật đúc không thể giải thích hiện tượng này. Cũng có giải thích ý kiến vì “Thái” là chữ húy nên phải kiêng kỵ, theo tôi cũng không đủ sức thuyết phục vì không luật lệ ở đâu chặt chẽ như Trung Quốc mà đời Tống Thái Tông, nhà Bắc Tống (976 – 983) đặt niên hiệu “Thái Bình hưng quốc” đồng thời cũng có tiền “Thái Bình hưng bảo”(1).

Thái Bình hưng bảo (970- 980)

 – Trong lịch sử tiền cổ Việt Nam, chữ “Đại” khá nhiều, đó là “Đại Định thông bảo” (triều Lý); “Đại Trị thông bảo”, “Đại Trị nguyên bảo” và “Đại Định thông bảo” (triều Trần); “Đại Bảo thông bảo”, “Đại Hòa thông bảo”(2) (triều Lê sơ); “Đại Chính thông bảo” (triều Mạc); “Cảnh Hưng đại bảo” (triều Lê Cảnh Hưng)… Tất cả những chữ “Đại” trong các loại tiền trên đều rất rõ ràng cho dù có nhiều kiểu khác nhau. Vậy thì sao lại không có “Đại Bình hưng bảo”.

– “Đại” trong triều Đinh không chỉ có trên tiền. Những viên gạch khai quật được ở Hoa Lư (Ninh Bình) hay lớp văn hóa thế kỷ thứ 10 ở Thăng Long (Hà Nội) có in nổi 6 chứ “Đại Việt Quốc Quân Thành Chuyên” là một gợi ý đáng quan tâm về mối liên hệ của hai chữ “Đại”.

– Trong sưu tập của Nguyễn Đình Sử, tôi còn được nhìn thấy một đồng tiền rất lạ, chưa từng thấy xưa nay, đó là đồng tiền “Đại Việt thông bảo”.

Thái Bình hưng bảo (970-980)

Đồng tiền này có rất nhiều nét tương đồng với đồng tiền “Đại Bình hưng bảo”, khiến tôi cho đây là một loại tiền của Đinh Tiên Hoàng. “Đại Việt thông bảo” sẽ xin được trình bày trong một chuyên khảo với những so sánh về trọng lượng, kích thước, thành phần hợp kim, lỗ và biên tiền cùng thư pháp, mà bài viết này chưa đủ điều kiện đề cập.  


Nói về chữ “Đại” trong tiền “Thái Bình hưng bảo”, không phải đến bây giờ tôi mới đề cập. J. Bernard cũng đã đọc tiền này là “Đại Bình hưng bảo” từ năm 1963(3), nhưng dường như không mấy ai quan tâm tới ý kiến này trong nghiên cứu tiền cổ. Xin chia sẻ với ông và tôi cũng muốn các nhà nghiên cứu gọi đúng mặt chữ được ghi trên tiền – điều mà chúng ta không thể làm khác được.

                                                                                        Phạm Quốc Quân

———-

(1) Đỗ Văn Ninh: Tiền cổ Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội, 1992, tr.36.

(2) “Đại Hòa” chứ không phải là “Thái Hòa”.

(3) J. Bernard: Sưu tập tiền cổ An Nam 968-1955 (chữ Anh). 1963, tr.1.
Nguồn: http://www.baotanglichsu.vn/portal/vi/Tin-tuc/Kien-thuc-lich-su—van-hoa/2008/09/3A9212C4/

Tg: Ai cũng công nhận là thời Đinh có tiền cổ, tuy nhiên chưa ai chứng minh được một cách khoa học niên hiệu của đồng tiền là Thái Bình hưng bảo hay Đại Bình hưng bảo hay Đại Hưng bình bảo mà chỉ ở mức “tôi cho là”, “một cách nhìn nhận khác”, “tại sao lại không thể”, “hợp lý hơn”, “có thể là”, “chưa chắc là”,  v.v. Thật sự rất thiếu sức thuyết phục!