Tag Archive | cải cách

Sự thành lập vương triều nhà Hồ và những cải cách của Hồ Quý Ly

Cuối thời nhà Trần, cuộc đấu tranh giữa khuynh hướng bảo thủ quân chủ quý tộc của tầng lớp quý tộc tôn thất nhà Trần và khuynh hướng quân chủ tập trung quan liêu của lực lượng quan liêu, tầng lớp nho sỹ, mà người đại diện tiêu biểu nhất là Hồ Quý Ly, đã diễn ra rất quyết liệt. Cuối cùng Hồ Quý Ly đã thắng thế, năm Canh Thìn 1400, Hồ Quý Ly quyết định phế truất vua Trần Thiếu Đế, tự lên làm vua, lập ra một vương triều mới, đặt quốc hiệu là Đại Ngu, vương triều nhà Hồ chính thức được thành lập.

Tháng 12 năm 1406, quân Minh sang xâm lược nước ta, vua tôi nhà Hồ đã kiên quyết chống lại quân xâm lược, nhưng do lực lượng yếu, đến tháng 6 năm Đinh Hợi 1407, cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược do vương triều nhà Hồ lãnh đạo đã thất bại hoàn toàn. Cha con Hồ Quý Ly cùng nhiều tướng lĩnh bị bắt giải về Kim Lăng (Trung Quốc). Như vậy vương triều nhà Hồ mới thành lập được 7 năm đã bị sụp đổ hoàn toàn, và trong thời gian 7 năm tồn tại đó, nhà Hồ truyền nối được hai đời đế vương, thế thứ cụ thể như sau:

Hồ Quý Ly (1336-1407)

Hồ Quý Ly sinh năm Bính Tý 1336, mất năm Đinh Hợi 1407, tự là Ly Nguyên, vốn thuộc dòng dõi Trạng nguyên Hồ Hưng Dật, ngụ ở làng Bào Bột, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Tổ tiên từ bốn đời trước là Hồ Liêm rời ra hương Đại Lại, huyện Tống Sơn (nay thuộc xã Hà Đông, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), làm con nuôi quan Tuyên úy hương Đại Lại là Lê Huấn, nên đổi sang họ Lê, vì thế sử sách vẫn quên gọi là Lê Quý Ly.

Hồ Quý Ly là người thông minh có tham vọng lớn, biết nhìn xa trông rộng, ông vốn có hai người cô đều là cung nhân của triều nhà Trần, một bà là Từ Hoàng sinh ra vua Trần Nghệ Tông (1321-1394), và một bà là Đôn Từ sinh ra vua Duệ Tông (1337-1377). Vì có hai người cô đều là cung nhân trong triều nhà Trần, cho nên khi lớn lên Hồ Quý Ly đã được vào triều làm quan cho nhà Trần. Hồ Quý Ly được vua Trần Nghệ Tông gả công chúa Nhất Chi Mai và trở thành phò mã của vương triều nhà Trần.

Hồ Quý Ly có tham vọng lớn, và có tham vọng xây dựng một nền văn hóa dân tộc, cho nên khi ông nhìn thấy triều đại nhà Trần ngày càng suy yếu, ông liền mưu toan gây dựng vây cánh, thế lực để tích cực giành lấy chính quyền về tay mình. Dần dần những chức vụ quan trọng chủ chốt trong triều đều nằm trong tay Hồ Quý Ly. Từ năm 1391, Hồ Quý Ly đã thâu tóm hết binh quyền vào tay mình, một số quan lại không cùng phe cánh đã bị Hồ Quý Ly tìm cách giết chết.

Năm Mậu Dần 1398, Hồ Quý Ly ép vua Trần Thuận Tông (1377-1399) phải nhường ngôi cho Thái tử Án mới 3 tuổi lên nối ngôi, hiệu là Trần Thiếu Đế. Hồ Quý Ly tự xưng là Khâm Đức Hưng Liệt Đại Vương, và ngay sau đó sai người giết chết vua Trần Thuận Tông.

Dòng dõi tông thất nhà Trần có những người như Thái Bảo Trần Nguyên Hãn (?-1429), và Thượng tướng Trần Khát Chân (1370-1399) lập hội kín để mưu diệt trừ Hồ Quý Ly, việc bại lộ, bị Hồ Quý Ly bắt giết chết hơn 370 người, Trần Nguyên Hãn trốn thoát, sau này trở thành một trong 5 danh tướng hàng đầu của nghĩa quân Lam Sơn, và trở thành công thần khai quốc của nhà Hậu Lê.

Sau khi diệt trừ tông thất nhà Trần, Hồ Quý Ly xưng là Quốc Tổ Chương Hoàng, ở cung Nhân Thọ, ra vào dùng nghi vệ Thiên tử, nhưng ông vẫn chưa dám cướp ngôi nhà Trần, chưa dám trắng trợn xưng là “trẫm” mà chỉ xưng là “dư”.

Đến tháng 2 năm Canh Thìn 1400, Hồ Quý Ly phế truất vua Trần Thiếu Đế, chính thức lên ngôi Hoàng đế, đổi lại họ Hồ như trước, nguyên họ Hồ có nguồn gốc từ Trung Quốc sang Việt Nam, tính đến thời Hồ Quý Ly đã được 16 đời. Mặt khác, Hồ Quý Ly cũng muốn nhận mình là dòng dõi của Ngu Thuấn (một trong 5 vị vua thời Tam Hoàng – Ngũ Đế thời cổ đại ở Trung Quốc), cho nên sau khi lên làm vua, Hồ Quý Ly đã đặt quốc hiệu nước ta thời đó là Đại Ngu. Sau này nhà Hồ bị nhà Minh tiêu diệt, vua Minh Thành Tổ nhà Minh không công nhận họ Hồ là dòng dõi của người Trung Hoa, cho nên Hồ Nguyên Trừng (con trưởng của Hồ Quý Ly) sau đó phải đổi lại họ là họ Lê, tức là Lê Nguyên Trừng.

Sau khi lên làm vua, Hồ Quý Ly lấy niên hiệu là Thánh Nguyên, cho tuyển chọn đề bạt và tổ chức thi cử nhanh chóng để đào tạo đội ngũ quan liêu mới cho nhà nước, chế độ quân chủ quan liêu mới đã hình thành.

Về mặt quân sự: Bề ngoài Hồ Quý Ly vẫn lấy lễ mà đối đãi với nhà Minh, nhưng vẫn biết chúng có ý xâm lược nước ta, cho nên Hồ Quý Ly đã ráo riết tổ chức quân đội, định lại binh chế, chỉnh đốn lại tổ chức quân đội, tăng cường kỷ luật quân ngũ. Quân đội được biến chế thành các quân đô, vệ, đứng đầu có các đại tướng, đô tướng v.v. Binh lực quốc gia gồm có 20 vệ, mỗi vệ có 18 đội, mỗi đội có 18 người, đại quân thì có 30 đội, trung quân thì có 20 đội, một doanh có 15 đội, một đoàn có 10 đội.

Hồ Quý Ly còn cho tiến hành làm lại sổ hộ tịch kiểm kê dân số trong cả nước, ghi tên tất cả con trai từ 2 tuổi trở lên, cấm ẩn lậu nhà đinh nhằm tăng cường quân số để xây dựng đạo quân một triệu người. Hồ Quý Ly còn chủ trương cải tiến vũ khí và trang bị, mở xưởng đúc vũ khí, chế tạo súng thần cơ có sức công phá lớn, các xưởng đóng thuyền đinh sắt, thuyền chiến có nhiều mái chèo, đây là những vũ khí và trang bị mới của nhà Hồ. Hồ Quý Ly còn cho xây dựng thành Tây Đô (Thanh Hóa), ngày nay gọi là thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), và thành Đa Bang (ngày nay thuộc xã Cổ Pháp, huyện Ba Vì, Hà Nội) kiên cố, và nhiều công trình phòng thủ khác, gồm những bãi cọc, xích sắt để ngăn các cửa sông, cửa biển.

Thành Tây Đô hay còn gọi là thành nhà Hồ

Về mặt hành chính: Hồ Quý Ly đổi các xã, lộ làm trấn, đặt thêm các chức An phủ phó sứ, Trấn thủ phó sứ, cùng các phó sứ khác ở các châu, huyện. Còn ở các lộ thì đặt những quan chức lớn như Đô hộ, Đô thống, Thái thú quản cả việc quân sự và dân sự, ông còn đặt thêm chức Liêm phóng sứ tại mỗi lộ để xét tình hình quân dân.

Về mặt kinh tế: Cải cách quan trọng nhất của Hồ Quý Ly là phép hạn điền, hạn nô, chiếu theo cấp bậc, phẩm tước được nuôi một số gia nô nhất định, số thừa phải sung công, và cho phát hành tiền giấy. Năm Nhâm Ngọ 1402, ban hành chính sách thuế khóa mới, mỗi mẫu ruộng thu 5 thăng thóc, đất bãi trồng dâu thu từ 3 đến 5 quan. Thuế nhân đinh bỏ cách đánh thuế đồng đều của thời nhà Trần mà đánh theo lũy tiến, nhiều ruộng thì thuế suất cao, người không có ruộng, trẻ mồ côi, đàn bà góa bụa thì được miễn thuế.

Đó là những cải cách tiến bộ, nhằm tước giảm thế lực của quý tộc nhà Trần, giải quyết tình trạng kiệt quệ tài chính của triều đình. Theo phép hạn điền trừ đại vương và trưởng công chúa, mỗi chủ đất chỉ được giữ 10 năm trở xuống, sổ sách phải sung công, nghĩa là khôi phục chế độ sở hữu nhà nước về ruộng đất, ai có tội được phép lấy ruộng mà chuộc tội.

Về cải cách văn hóa – giáo dục thi cử: Triều đại nhà Hồ rất coi trọng Nho học. Trên thực tế, ngay từ khi còn làm phụ chính cho vua Trần Thuận Tông, Hồ Quý Ly đã dịch Thiên Vô Dật trong Kinh Thi ra quốc âm để dạy vua học. Sau khi lên làm vua được 8 tháng, Hồ Quý Ly đã tổ chức kỳ thi Thái học sinh lấy 20 Tiến sỹ, khoa thi này rất nổi tiếng vì có các bậc danh nho như Nguyễn Trãi (1380-1442) người sau này trở thành nhân tài của đất nước; Lý Tử Tấn – tác giả cuốn sách Chiết Am thi tập với 93 bài thơ còn chép trong Toàn Việt thi tập; Vũ Mộng Nguyên – tác giả một số bài thơ chữ Hán cũng được chép trong Toàn Việt thi tập.

Đến năm Giáp Thân 1404, Hồ Hán Thương xuống chiếu quy định cứ 3 năm thi Hội một lần, ai đỗ thi Hương thì 8 tháng sau về kinh kiểm tra ở Bộ Lễ để năm sau nữa vào thi Hội. Thời gian lưu lại ở kinh đô, những người này được học tập ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Trường Quốc Tử Giám lúc bấy giờ có thể đã chia làm hai hạng gọi là “trại”. Số cử nhân trong nước về thi ở Bộ Lễ năm Ất Dậu 1405 được lấy trúng cách 170 người, nhưng chưa kịp thi Hội thì xảy ra cuộc xâm lược của nhà Minh vào cuối năm Bính Tuất 1406.

Về mặt văn hóa xã hội: Hồ Quý Ly phản đối lối học sáo rỗng, nhắm mắt học vẹt lời nói của cổ nhân thời xưa để xét việc trước mắt. Trước đó, vào năm Nhâm Thân 1392, Hồ Quý Ly đã soạn sách Minh Đạo gồm 14 thiên đưa ra những kiến giải xác đáng về Khổng Tử (551 Tr.cn-479 Tr.cn), và những nghi vấn có căn cứ về sách Luận Ngữ – một trong bốn tác phẩm kinh điển của Nho giáo (Đại học, Trung dung, Luận ngữ và Mạnh Tử).

Hồ Quý Ly còn cho mở “Quảng tế thu” – một loại bệnh viện công, chữa bệnh bằng châm cứu, và tập hợp kho thóc rẻ cho người nghèo. Việc Hồ Quý Ly cho ban hành côn, thước, đấu để thống nhất đo lường cũng góp phần tăng thêm giá trị văn minh của đời sống xã hội thời bấy giờ.

Lên làm vua được hơn 1 năm, Hồ Quý Ly cũng bắt chước các vua nhà Trần trước đó, nhường ngôi lại cho người con thứ là Hồ Hán Thương, còn mình thì lên làm Thái Thượng Hoàng. Tuy nhiên mọi việc triều chính vẫn do Hồ Quý Ly quyết định.

Những cải cách táo bạo của Hồ Quý Ly đi trước thời đại, nhưng việc ông chiếm ngôi của nhà Trần đã gây ra nhiều phản ứng quyết liệt trong giới sỹ phu đương thời và không thu phục được lòng người. Chính vì vậy, khi quân nhà Minh gây rối và xâm lược nước ta, chúng giả danh chiêu bài “phù Trần, diệt Hồ”. Vua tôi nhà Hồ đã chiến đấu quyết liệt, quân nhà Hồ trăm vạn, nhưng không một lòng, cuối cùng đã bị thất bại. Hồ Quý Ly và hai con là Hồ Nguyên Trừng, Hồ Hán Thương đều bị bắt về Trung Quốc. Hồ Quý Ly bị xử tử cuối năm Đinh Hợi 1407, hưởng thọ 71 tuổi.

Về nhân vật Hồ Quý Ly, giới sử học trong và ngoài nước có khá  nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về Hồ Quý Ly nói riêng, và vương triều nhà Hồ nói chung. Song điểm thống nhất của tất cả là sự thừa nhận rằng: Nhà Hồ tuy chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn có 7 năm (1400-1407), nhưng vương triều nhà Hồ thực sự là một triều đại của những cải cách, và đây chính là điểm nổi bật nhất của vương triều nhà Hồ.

Nguồn: http://vanhien.vn/news/vuong-trieu-nha-ho-1400-1407-trong-lich-su-phong-kien-viet-nam-47640