THÀNH NHÀ MẠC

Thành nhà Mạc nằm trên địa phận tổ 7, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang. Thành được xây dựng từ năm 1592, thời nhà Mạc và được sửa chữa vào thời đầu nhà Nguyễn (thế kỷ 19).

Cổng thành phía Tây

Thành có vị trí quân sự quan trọng, án ngữ trên bờ sông Lô và nằm trên trục giao thông thuỷ bộ thuận lợi, từng gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của vùng quê cách mạng Tuyên Quang. Tên gọi Thành Tuyên Quang được ghi chép trong ” Đại Nam thực lục”, “Đại Nam nhất thống chí” (thời Nguyễn) về việc xây dựng Thành Tuyên Quang vào năm Thiệu Trị thứ 4 (1844).
Thành Tuyên Quang từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là biểu tượng của quyền lực phong kiến nhà Nguyễn, cùng với sự suy vong của nhà Nguyễn thành Tuyên Quang cũng là nơi chứng kiến và diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của vùng quê cách mạng Tuyên Quang, từ cuộc chiến đấu anh dũng của đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao, Cao Lan đánh thực dân Pháp năm 1884, đến khí thế vũ bão sục sôi những ngày khởi nghĩa tháng 8-1945 lịch sử, buộc phát – xít Nhật phải đầu hàng, giải phóng hoàn toàn thị xã Tuyên Quang. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thành cổ Tuyên Quang còn hai lần chứng kiến thất bại của quân Pháp vào năm 1947 và năm 1949.

Thành Tuyên Quang còn có tên gọi khác là thành nhà Mạc nhưng cho đến nay chưa thấy có tài liệu cổ sử nào nhắc đến sự ra đời của thành Tuyên Quang vào thời Mạc – thế kỷ XVI, mà chỉ dựa trên cơ sở những hiện vật tại thành như: Gạch vồ (gạch đặc trưng của thời Mạc – thế kỷ XVI), súng thần công, đồ gốm v.v… và ghi chép những đợt tu sửa thành vào thời Nguyễn. Thành Tuyên Quang được xây dựng với mục đích vừa là chỉ huy sở, vừa là đài quan sát. Xung quanh thành có hệ thống đồn ngoại vi.
Đến thời Nguyễn, thành mới được xây dựng lại cho phù hợp với chức năng quân sự và hành chính, được triều Nguyễn coi trọng là tòa thành trấn giữ mạn Bắc, che chở cho kinh thành Thăng Long:
“An biên viễn sứ Ưu Kim Ngọc
Tuyên Quang vạn thuở trấn Thăng Long”
(An Biên là nơi xa xôi có nhiều vàng ngọc quý
Thành Tuyên từ trước đến giờ trấn giữ kinh thành Thăng Long).
Suốt thời Nguyễn, thành Tuyên Quang được sử dụng làm cơ sở cho bộ máy quan lại phong kiến đương triều. Tuy nhiên, nhà Nguyễn đã cho tu sửa lại nhiều phần cho phù hợp với chức năng quân sự và hành chính. Đồng thời với việc đổi tên xứ Tuyên Quang thành tỉnh Tuyên Quang, tòa thành nhà Mạc xưa cũng được mang tên là thành Tuyên Quang (còn gọi là thành Tuyên). Yêu cầu tu bổ, gia cố thành Tuyên Quang được bắt nguồn từ thực tế của vùng đất Tuyên Quang với vị trí là nơi biên viễn có ý nghĩa quốc phòng, đồng thời cũng nhằm trấn áp những cuộc khởi nghĩa của nông dân. Thành tuy được xây dựng lại vào thời Nguyễn nhưng vẫn kế thừa rất nhiều đặc điểm của thành thời Mạc: Hình dáng, vị trí, cấu tạo. Cổng thành thời Nguyễn còn sử dụng rất nhiều gạch vồ của thời Mạc (thế kỷ XVI).
Thành Tuyên Quang thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật, là một trong những di tích thành luỹ giai đoạn nửa cuối thế kỷ thứ XVI. Đây cũng là nơi đã diễn ra nhiều trận đánh chống quân triều đình nhà Nguyễn của các cuộc khởi nghĩa nông dân; các trận đánh Pháp của liên quân Việt – Trung; đánh phát xít Nhật giành chính quyền cách mạng, mít tinh chào mừng ngày giải phóng thị xã tháng 8 năm 1945; nơi đặt Tổng trạm tù binh Pháp trao trả cho Chính phủ Pháp sau chiến thắng Điện Biên Phủ; nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với nhân dân Tuyên Quang khi Người về thăm Tuyên Quang sau 6 năm xa cách kể từ khi rời căn cứ địa về tiếp quản thủ đô Hà Nội.
Đây là một trong số ít toà thành còn lại trong cả nước. Tuy không còn nguyên vẹn, nhưng thành Tuyên Quang còn giữ lại được những phần cơ bản của một toà thành quân sự, hành chính của chế độ phong kiến Việt Nam, đó là dấu tích vô cùng có ý nghĩa đối với vùng đất được gọi là “Phên dậu của kinh thành Thăng Long”, là “bức thành thép của quốc gia” như rất nhiều sử gia đã nhận xét.
Cho đến nay, Thành Tuyên Quang là một biểu tượng của lịch sử vùng đất Tuyên Quang, là một trong số ít tòa thành còn lại trong cả nước. Sau khi được công nhận là di tích lịch sử – văn hoá cấp Quốc gia, di tích đã được Chính phủ phê duyệt phục hồi, bảo tồn, tôn tạo nhằm phát huy tác dụng giáo dục, nghiên cứu. Tại khu di tích đang được triển khai phục dựng, tu bổ một số hạng mục như hai cổng thành, 140m tường thành còn lại.

Trần Thu Huyền

Nguồn: http://www.lehoithanhtuyen.com.vn/DetailView/3399/6/THANH-NHA-MAC.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.