GỐM LAM XÁM*

Đó là loại gốm được phủ một loại men màu lam đậm ( ngả đen ) mà giới chuyên môn và sưu tầm thường gọi là GỐM LAM XÁM. Loại gốm này đã khá phổ biến từ thế kỷ 15, được sản xuất tại lò Chu Đậu, với những mẫu thức như bình tỳ bà, ấm kendi, ang, đĩa, thủy trì, hộp nhỏ,…trong đó một số có ám họa hoa văn trang trí, hoa, lá…

Nhưng nổi tiếng nhất về loại hình gốm này mà những ai chơi gốm Việt đều phải biết và ngưỡng mộ, đó là dòng gốm Đặng Huyền Thông. Lò gốm, nơi sản xuất dòng gốm nổi tiếng này là một lò nhỏ tại thôn Hùng Thắng, ngay sát cạnh lò Chu Đậu, gần bờ đê sông Thái Bình. Lò gốm này có từ thời nhà Mạc, như là một “ nhánh “ của lò Chu Đậu, do một nghệ nhân- phật tử Đặng Huyền Thông và con cháu ông chế tác trong một giai đoạn rất ngắn vào cuối TK16. Chính vì thế mà số lượng hiện vật còn lưu lại hiện nay rất ít và rất…có giá. Mẫu thức nổi tiếng nhất là những chân đèn, lư hương với nhiều chi tiết đắp nổi cân đối, cầu kỳ kèm theo minh văn ghi tên và quê quán người chế tác, thời gian chế tác,…Có những hiện vật có chiều cao gần 100cm. Là một phật tử, gốm của Đặng Huyền Thông mang đậm phong cách Phật giáo. Đa số hiện vật được sản xuất để cung tiến cho các cung điện, đền chùa hoặc sx theo đặt hàng của những nơi thờ tự…


Ngoài những món đồ “ đại cục “ kể trên, chúng ta vẫn bắt gặp những sản phẩm “ gia dụng “, như ấm, hũ, bình vôi,…cũng với số lượng rất hạn chế. Một trong những hiện vật ít ỏi đó là những chiếc bình rượu hình nghê, tôm, cá màu men xám tương tự, có loại ám họa minh văn trích từ “ ngũ phúc “ như PHÚC, LỘC, THỌ, KHANG, NINH. Bình vôi men xám có lẽ cũng thuộc hàng hiếm và…” độc “.

Bình rượu hình tôm (bên trái) và bình vôi (bên phải)

Bình vôi (bên trái) và Bình rượu hình nghê (bên phải)

Chữ Phúc

Chữ Lộc

Chữ Khang

Chữ Ninh

Rất tiếc, sau khi nghệ nhân Đặng Huyền Thông mất, cũng là khi nhà Mạc suy yếu, bị Trịnh Tùng đánh đuổi phải dạt lên miền núi phía Bắc, lò gốm Hùng Thắng cũng dần đóng lò. Tôi may mắn sưu tầm được một hiện vật duy nhất sau khi ông mất do Đặng Thiện Sỹ tạo tác với một bài kệ để thờ cúng Tiền Nhân Đặng Huyền Thông.

NST: Nguyễn Dòng

Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=739137073096286&id=100010000008701

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.