CÂY ĐA LÀNG VIỆT

Không biết từ bao giờ, cây đa, bến nước, sân đình đã trở thành một biểu tượng cho các làng quê Việt Nam. Cây đa bao giờ cũng là cây to lớn nhất làng, thậm chí nhất vùng, với tán lá xèo rộng, xanh um, những chiếc rễ phụ buông xuống đu đưa, có khi bám đất trở thành một thân cây khác.

                                                             Sân đình làng Hữu Bằng (Hà Tây). Ảnh Lí Học
Vốn là loài cây nhiệt đới, cũng có rễ phụ như si, nhưng rễ phụ của đa ít hơn, không loè xoè rậm rì, âm u, ma quái như si, mà cứng rắn, đoan chính, cương kiện hơn nhiều. Bởi vậy đa là nơi thần ở, những loài ma quỷ không dám ở cây đa:”Thần cây đa, ma cây gạo”.
Gốc đa đầu làng trở thành nơi họp chợ của dân trong làng, một vài làng, và đôi chỗ là cả một vùng.Có lẽ cây đa chợ Dốc là được nhiều người biết đến nhất. Chưa biết chợ Dốc ở đâu, cây đa chợ Dốc thế nào, nhưng ai cũng biết câu quan họ: “Trèo lên quán Dốc, ngồi gốc cây đa…”. Và nếu bạn mê chèo hẳn sẽ biết điệu Lới lơ: “Em đi chợ Dốc, ngồi gốc cây đa, thấy cô bán rượu …” Chỉ tiếc không biết chợ Dốc với cây đa có cả trong quan họ lẫn trong chèo này ở đâu để ta được một lần đến tận nơi chiêm ngưỡng. Đa đã chứng kiến biết bao đêm trăng gia gái tỏ tình, biết bao câu hát đã được cất lên dưới gốc đa, biết bao cuộc tình đã nảy sinh dưới gốc đa, và cũng biết bao người đến bên đa để thở than, trách duyên trách phận: “Còn duyên buôn nụ bán hoa; Hết duyên ngồi gốc cây đa một mình”.
Người Trung Quốc nói rằng trên mặt trăng có cung Quảng Hàn quanh năm lạnh lẽo mà Hằng Nga ở đó, lại có cây quế với con thỏ ngọc.bNhưng với người Việt, trên mặt trăng lại có cây đa, với chú Cuội đang ngồi, bên cạnh là con trâu đang nằm thong dong nhai cỏ. Lại nhớ đến lời mẹ ru từ tấm bé: “Chú Cuội ngồi gốc cây đa; Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời; Cha còn cắt cỏ trên trời; Mẹ còn cỡi ngựa đi mời quan viên”.

Trên những con phố Hà Nội, lác đác vẫn bắt gặp những gốc đa còn xót lại của một góc làng cổ xưa trên đất Thăng Long: Cây đa làng Cổ Vũ trên đường Hàng Gai, Cây đa bên đền Bà Kiệu, Cây đa thành tên gọi một bệnh viện – Bệnh viện cây đa nhà bò … Lại có cả cây đa rất đẹp của ông nghè Tự Tháp – Vũ Tông Phan trồng bên bờ hồ Hoàn Kiếm xưa mà nay đã nằm trong khuôn viên của báo Nhân Dân. Biết bao vật đổi sao dời, từ làng nên phố nhiều di tích không còn, đến đất chùa cũng còn bị lấn chiếm, thế mà những cây đa vẫn còn.Có lẽ người ta không dám phá đi những gốc cây linh thiêng ấy.

Xưa, việc trồng đa cũng rất được coi trọng, bởi trồng đa là để cho thần linh có nơi trú ngụ, mọi người có chỗ ngồi nghỉ ngơi, nên việc trồng đa được coi là một việc làm công đức như dựng cầu xây quán. Sách vở còn ghi lại cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm không những dựng quán Trung Tân, mà còn trồng rất nhiều đa quanh làng xã. Không biết những cây đa cổ thụ quanh đất Trung Am bây giờ cây đa nào là cây đa cụ trồng, mà học trò của cụ – Đinh Thì Trung nhắc đến trong văn tế khi cụ mất: “Cây đa tiên sinh trồng, nhớ tiên sinh muốn ngắm cảnh xưa, thì cành lá tiêu điều, tuyết phủ đầu cây, hình cổ thụ”. Trồng đa là làm phúc, là để tích thiện, vì thế còn có tục ai hiếm muộn con cái thì hay trồng đa để cầu tự.

Cây đa làng Nôm (Hưng Yên)

Ở mỗi làng quê, đa lại như một cây cột mốc, cột tiêu để những người đi xa về gần nhận biết đâu là làng xóm quê mình, lẽ đơn giản bởi nó là cây cao nhất, lớn nhất làng.Cây đa quê tôi cũng vậy, không biết cây có từ khi nào, chỉ nghe ông tôi kể từ khi còn nhỏ ông tôi đã từng chơi dưới gốc đa.Tán đa trùm kín cả mái đình, vươn rợp cả khuôn hồ bán nguyệt. Thời Pháp thuộc, dưới gốc đa này nhiều người con của quê tôi đã ngã xuống dưới làn đạn của thực dân nhưng nhiều người khác lại đứng lên, để rồi cũng chính trên tán đa này lá cờ đỏ sao vàng đã phần phật tung bay trong những ngày mùa thu tháng 8 năm 45 lịch sử. Bà tôi thường căn dặn chúng tôi: “Các cháu đi đâu thì đi, nhưng cứ trông ngọn đa đầu làng mà về”. Nhưng tôi biết người quê tôi nhìn ngọn đa để về làng không phải chỉ vì nó là cây cao nhất.mà vì nó chính là một biểu tượng cho tâm linh ngàn năm của làng quê nước Việt.

Cây đa bên sông ở Việt Trì đầu thế kỉ 20

– Châu Hải Đường-
Bài đã đăng trên báo Thiếu niên Tiền phong trong chuyên mục Em yêu làng Việt của nhóm Làng Việt xưa & nay

Nguồn: https://www.facebook.com/groups/vietnamesevillage/permalink/840725366111709/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.