Top 5 nhà đấu giá tác phẩm nghệ thuật lớn nhất thế giới!

Đấu giá từ lâu đã được so sánh với một sự kiện nhạc kịch vì sự quyến rũ vốn có, sự hồi hộp và giá trị giải trí của nó. Bất chấp sự gia tăng của thương mại điện tử, khi con người quan tâm tới hàng xa xỉ, các tác phẩm nghệ thuật độc quyền và những tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị, họ vẫn tiếp tục đến một trong năm nhà bán đấu giá hàng đầu thế giới để thỏa mãn nhu cầu  của mình!

1. Nhà đấu giá Christie’s

Được thành lập vào năm 1766 bởi nhà bán đấu giá James Christie, nhà đấu giá này hiện là một trong những nhà bán đấu giá lớn nhất và nổi tiếng nhất thế giới. Với văn phòng tại 46 quốc gia, Christie tổ chức 350 cuộc đấu giá mỗi năm với hơn 80 chuyên đề. Tại một cuộc đấu giá của Christie, người mua sẽ tìm thấy mọi thứ trong lĩnh vực mỹ thuật và trang trí bao gồm tranh nghệ thuật, đồ trang sức, đồ sưu tầm và nhiều thứ khác. Christie’s được biết đến với nhiều tác phẩm được đấu giá với giá trị cao như bán đấu giá tủ quần áo của Coco Chanel, những ghi chép cá nhân của Albert Einstein, và đồ trang sức của Elizabeth Taylor. Với lịch sử lâu dài và sự hiện diện rộng rãi, thương hiệu của Christie đại diện cho sự xa xỉ tuyệt hảo.

2. Nhà đấu giá Sotheby’s

Sotheby’s đã bán các sản phẩm xa xỉ tại các cuộc bán đấu giá ở London kể từ năm 1744 và trở thành nhà bán đấu giá quốc tế đầu tiên khi mở văn phòng tại thành phố New York năm 1955. Sotheby’s đánh bại Christie’s về danh hiệu nhà bán đấu giá mỹ nghệ lâu đời và lớn nhất trên thế giới với 80 địa điểm trên toàn cầu. Sotheby’s đang đi đầu trong việc hiện đại hóa ngành đấu giá bằng chương trình Đấu giá trực tuyến (BidNow). BidNow cho phép người mua tham gia tất cả các cuộc đấu giá và đặt giá thầu từ xa. Sotheby’s nổi tiếng với việc bán các tác phẩm của các nghệ sỹ có tiếng tăm như Pablo Picasso và Peter Paul Rubens. Trong năm 2010, nó cũng thiết lập một kỷ lục thế giới cho viên kim cương đắt nhất được bán đấu giá khi ông Laurence Graff mua lại viên “Kim Cương Hồng Kỳ Lạ” với giá 29.5 triệu bảng.

3. Nhà đấu giá Bonham’s

Được thành lập ở London vào năm 1793, Bonham’s đã phát triển rất nhanh trong những thế kỷ qua và bắt đầu cạnh tranh với Christie’s và Sotheby’s. Bonham rất mạnh trong việc bán các tác phẩm nghệ thuật Châu Á, nhưng người mua cũng sẽ tìm thấy rất nhiều đồ cổ, đồng hồ đeo tay và đồng hồ treo tường, đồ gốm châu Âu và nhiều thứ khác. Bonham’s nổi tiếng ở London trong việc bán đồ trang sức, kim cương, và đá màu. Nhà đấu giá này cũng được coi là đi đầu Châu Âu trong việc đấu giá xe ô tô và đã đạt được mức giá kỷ lục về doanh thu cho Mercedes, Maserati, và Aston Martin. Bonham’s đã mở rộng sự hiện diện toàn cầu qua nhiều năm và bây giờ họ tự hào có 08 địa điểm bán đấu giá lớn và đại diện bán hàng tại 25 quốc gia.

4. Nhà đấu giá Phillips

Phillips được thành lập năm 1796 bởi Harry Phillips, cựu nhân viên cao cấp của James Christie. Harry Phillips đã đạt được thành công đáng kể cho sàn bán đấu giá của mình trong suốt cuộc đời của ông, trong quá khứ, sàn giao dịch này dẫn đầu về doanh số đấu giá các sản phẩm cao cấp cho những nhà sưu tập là những người nổi tiếng như Beau Brummel và Napoleon Bonaparte.

Ngày nay, Phillips chuyên bán các tác phẩm nghệ thuật đương đại nổi tiếng nhất thế giới. Bằng cách tập trung vào các tác phẩm thuộc thế kỷ 20, Phillips đã trở thành nhà đầu giá số một về các tác phẩm này. Phillips tập trung vào các danh mục chọn lọc bao gồm nghệ thuật đương đại, nhiếp ảnh và thiết kế. Phillips được biết đến với việc bán các tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại như Damien Hirst và Joseph Beuys.

5. Nhà đấu giá China Guardian

China Guardian đã nhanh chóng trở thành một trong những nhà đấu giá lớn nhất thế giới kể từ khi thành lập vào năm 1993. China Guardian là công ty bán đấu giá nghệ thuật lâu đời nhất của Trung Quốc và được coi là nhà đấu giá lớn thứ tư thế giới vào năm 2012. China Guardian chuyên bán các tác phẩm nghệ thuật của Trung Quốc và thư pháp. Người ta ước tính rằng 60% doanh số bán hàng của họ là tranh vẽ bằng mực và thư pháp, nhưng họ cũng thường xuyên bán đồ sứ Trung Quốc, đồ gỗ, sách hiếm, đồ trang sức và điêu khắc. Mặc dù China Guardian là một nhà đấu giá tương đối mới trong thị trường đấu giá đồ xa xỉ, họ đã nhanh chóng tự khẳng định mình là một đối thủ hàng đầu trong lĩnh vực này.

Những nhà đấu giá nói trên là những nhà đấu giá hàng đầu trong lĩnh vực mỹ thuật và hàng xa xỉ. Với danh tiếng lâu đời và giá trị giao dịch càng ngày càng lớn, những nhà đấu giá này luôn là nơi để tiến hành giao dịch mua bán các tác phẩm nghệ thuật cao cấp.

(Người dịch: Hoàng Khuyên)
Nguồn: http://www.ac-cooper.com/top-5-auction-houses-around-world/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.