Ý nghĩa họa tiết trống đồng Đông Sơn

Khi tìm hiểu sâu về ý nghĩa họa tiết trống đồng đông sơn, bạn sẽ thấy được một nền văn hoá và những văn minh xã hội của người Việt cổ. Bạn sẽ thấy tự hào khi tặng hoặc được tặng sản phẩm trống đồng.

Vào năm 1903, người ta thấy chiếc trống lớn và đẹp này tại chùa Đọi (Long Đội Sơn) thuộc làng Ngọc Lũ, tỉnh Hà Nam. Trống do một cụ già tìm được khi đắp đê sông Hồng và đưa về để ở chùa làng. Từ đó chiếc trống đồng Ngọc Lũ được cả thế giới biết tiếng và trở thành một trong những di vật đồng thau tiêu biểu nhất. Trống này cao 0,63 mét (1.8 ft), đường kính mặt trống 0,86 mét (2.5 ft), được trang trí bằng các hình chạm sâu xuống cả trên mặt trống lẫn tang trống

Trống được bảo quản tương đối nguyên vẹn, được phủ ngoài một lớp pa-tin màu xanh ngả sang xám. Trống có hình dáng cân đối gồm 3 phần hài hoà: tang phình, thân thon, đế choãi. Mặt trống hơi tràn ra ngoài tang một ít tạo thành đường gờ nổi giữa mặt và tang trống. Gắn vào tang và phân giữa thân trống là 4 chiếc quai chia thành hai cặp ở hai phía, trang trí văn bện thừng. Các hoạ tiết trên trống khắc hoạ toàn cảnh sinh hoạt của người Việt cồ.

Ở mặt trống cũng như tang trống và thân trống đều có trang trí hoa văn chia thành hai loại: một loại là hoa văn hình học, một loại là hoa văn hiện thực. Hình hoa văn hiện thực là người hay động thực vật, đây là mảng hoa văn chủ đề mà người xưa muốn gửi gắm vào đó những suy nghĩ tâm tư, ước nguyện của mình về cuộc sống ấm no hạnh phúc. Còn những hoa văn hình học như chấm nhỏ thẳng hàng, vạch chéo và vạch thẳng song song, hình răng cưa, vòng tròn, hình chữ S mang tính chất làm nền cho hoa văn hiện thực.

– Trên mặt trống ở chính giữa là ngôi sao 14 cánh tượng trưng là mặt trời của những cư dân trồng lúa nước, khoảng cách giưa các ngôi sao là hoạ tiết hình lông công, (có thể phân tích họai tiết các cánh mặt trời và hoa văn giữa các cánh theo văn hóa phồn thực cho sinh thực khí nam và nữ) sau đó là 16 vòng hoa văn trang trí bằng nhiều hình kỷ hà hay hình vẽ khác nhau. Các vòng 1, 5, 11 và 16 là những hàng chấm nhỏ. Các vòng 2, 4, 7, 9, 13 và 14 là những vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến. Vành 3 là những chữ gẫy khúc nối tiếp. Vòng 12 và 16 là văn răng cưa. Vòng 6, 8 và 10 là vành có hình người, động vật diễu hành xung quanh ngôi sao và ngược chiều kim đồng hồ.

Hình người: Người có thể đang mặc váy dài, có hai vạt tỏa ra hai phía, vừa đi vừa múa, có người tay cầm rìu, có người thổi khèn, có người cầm giáo, cán giáo có trang trí lông chim. Hoặc có thể người đang quay mặt về phía nhà cầu mùa, xõa tóc, mặc váy hay có đôi trai gái đang cầm chày giã vào một chiếc cối, đầu chày có trang trí lông chim.

– Hình nhà: Dựa theo những hình khắc trên trống đồng thấy có 2 loại hình kiến trúc là nhà sàn mái cong và nhà sàn mái tròn. Nhà có 2 cột chống ở phía đầu nhà, hai đầu và ở giữa có kê thang để lên sàn. Nhà mái tròn thường có một người hoặc không có người đứng giữa cửa, hai bên của có chắn phên. Nhà mái tròn có thể liên quan đến tín ngưỡng và tạm gọi là “nhà thờ”. Còn những ngôi nhà có mái cong như hình thuyền lại có nhiều người có thể liên hệ rằng đó là “nhà ở”. Hai góc mái có những đường hồi hoa văn trang trí. Có thể nói nhà sàn là loại hình kiến trúc chủ yếu của người Lạc Việt. Nó là cội nguồn của những ngôi đình Việt. Ngoài ra còn cho ta thấy tiết khí trong năm.

Tiết đông chí :

Ta gặp trên đường bán kính từ trung tâm bông hoa kéo ra, hình vẽ cái nhà sàn, có hai vợ chồng con chim trên nóc mái, và trong nhà có ba người đang nằm vừa ngồi nhỏm dậy. Góc phải của nhà sàn ở mặt đất có cái gì như cái cối đặt nằm nghiêng. Góc trái có đứa nhỏ gõ vào cái gì như cái trống con, có vẻ để báo thức.

Ta hiểu rằng trải qua một mùa đông, các loài vật đông miên ngủ vùi đến ngày đông chí mới tỉnh dậy, mầm mộng của các loài hoa lá trên cành cũng đến ngày ấy mới “ngồi dậy”. Cả đến cái cối nằm ngủ mãi có lẽ cũng sắp được dựng dậy để làm việc.

Tiết hạ chí :

Đối điểm của Đông chí bên kia vòng tròn, trên cùng đường kính là tiết hạ chí.

Ta gặp những cái nhà sàn ấy. Nhưng trên nóc mái chỉ có một con chim trống. Vợ nó đâu ? Vợ nó đương ở nhà ấp trứng. Do đó mùa hè phải đóng bè làm phúc, không được phá phách các tổ chim, bắt được chim còn phải phóng sinh nó đi, để nó về nuôi vợ con nó. Thương biết là bao nhiêu, truyền thống ấy còn mãi đến thế hệ chúng ta !

– Vòng 8 gồm hai nhóm, mỗi nhóm có 10 con hươu cách nhau bằng hai tốp chim bay, một tốp 6 con và một tốp 8 con. Cứ một con hươu đực thì đến một con hươu cái. Đó là hình vẽ những con vật tương trưng. Gà chỉ đi ăn vào ban ngày, Hươu đi ăn vào đêm trăng sáng. Có 6 đêm vào đầu tháng từ 1 đến 6 không trăng; và 8 đêm vào cuối tháng từ 22 đến 30 cũng không trăng. Những đêm ấy không đi săn thú được. Và sau đó, khi có trăng thì có thể tổ chức đi săn đêm.

– Vòng 10 gồm 36 con chim, 18 con chim đậu và 18 con chim đang bay. Chim bay là loại chim mỏ dài, có mào, đuôi và chân dài, mình gầy thuộc loại cò, sếu hoặc vạc; chim đậu có nhiều loại. Con thì mỏ ngắn vênh lên, con thì mỏ dài chúc xuống, phần đông là chim ngậm mồi. Các con chim đậu đều có đuôi ngắn.

– Ngoài những hoa văn trên, ở rìa mặt trống có một số vết của những con kê còn để lại khi đúc trống. Phần trên cùng của tang trống là đoạn tiếp giáp với mặt trống có 6 vòng hoa văn hình học, các vòng 1 và 6 là những đường chấm nhỏ thẳng hàng, vành 2 và 5 là văn răng cưa, đỉnh quay về hai phía có những chấm nhỏ xem kẽ, vành 3 và 4 là hoa văn vòng tròn đồng tâm chấm giữa nối với nhau bằng những tiếp tuyến song song.

– Tiếp theo đoạn này là hình 6 chiếc thuyền, chuyển động từ trái sang phải, xen giữa các thuyền là hình chim đứng. Chim có từ 1 đến 3 con. Đứng giữa thuyền là người chỉ huy cầm trống đang điều khiển. Mũi thuyền có từ 1 đến 2 người tay cầm vũ khí như giáo hoặc rìu chiến, đó là những thủy binh đánh gần. Mỗi thuyền đều có một người cầm lái đầu đội mũ lông chim cao, tay lái có trang sức lông chim. Trên sàn thuyền có một người bắn cung, không đội mũ lông chim mà búi tóc, đó là những thủy binh đánh xa. Hoạ tiết này chứng minh cho ta thấy cuộc sống sông nước của cha ông ta.

Phần dưới của tang trống là ba vòng hoa văn hình học. Chân trống không có trang trí.

Qua các mô típ chạm khắc trên trống đã tái hiện cho chúng ta thấy nền văn hoá và những văn minh của xã hội Lạc Việt.

(CÒN TIẾP)

Nguồn: https://www.facebook.com/HoiQuanDiSan/posts/1017601648318237

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.