TRỐNG ĐỒNG VIỆT NAM

Trống đồng là một loại sản phẩm sáng tạo độc đáo, đặc sắc, tiêu biểu của nền văn minh thời cổ – trung đại của nước ta. Năm 1902, trong công trình nghiên cứu “Những trống kim khí ở Đông Nam Á”, học giả người Áo F.Heger, trên cơ sở nghiên cứu 165 chiếc trống đồng lưu giữ tại nhiều bảo tàng trên thế giới lúc bấy giờ, đã phân chia ra thành 4 loại chính: Loại I, loại II, loại III, loại IV và 3 dạng trống trung gian (giữa loại I và loại II, giữa loại I và loại IV, giữa loại II và loại IV). Cho đến nay, phần lớn các học giả nước ta và các nước khác, về cơ bản, đều chấp nhận cách phân loại này.

Ở Việt Nam, những công trình nghiên cứu thật sự về trống đồng bắt đầu từ cuối Chiến tranh thế giới lần thứ nhất(1),  chủ yếu là từ năm 1929 – 1930 và những năm sau đó(2), do một số học giả phương Tây thực hiện.

Các nhà nghiên cứu nước ta từ giữa thập niên 50 trở về sau này mới có điều kiện đi sâu nghiên cứu trống đồng. Ngoài nhiều bài viết đăng trên Tạp chí “Khảo cổ học”, “Nghiên cứu lịch sử”, “Những phát hiện mới về khảo cổ học” hàng năm… đã xuất hiện một số công trình nghiên cứu chuyên khảo về trống đồng ở Việt Nam(3) . Tạp chí “Khảo cổ học” đã dành hai số đặc biệt năm 1974 đăng tải các bài viết về trống đồng. Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, năm 1985 đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về trống đồng Việt Nam(4), và năm 2011, Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia Việt Nam, Bảo tàng Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây, Viện Nghiên cứu Văn vật khảo cổ Quảng Tây (Trung Quốc) đã phối hợp biên soạn và xuất bản cuốn sách khổ lớn “Trống đồng Việt Nam”(5) , trong đó lựa chọn giới thiệu 126 trống lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, một số Bảo tàng tỉnh và cơ quan khác.

Thông qua việc nghiên cứu các sưu tập trống đồng, có thể khẳng định rằng, nước ta là một trong số rất ít quốc gia hội tụ đủ cả 4 loại trống đồng cơ bản và các loại trống trung gian theo hệ thống phân loại của F.Heger, đồng thời còn có loại trống mà hồi đó F.Heger chưa biết đến. Trống đồng được phát hiện ở mọi miền đất nước. Theo thống kê sơ bộ, hiện ở nước ta có khoảng 600 trống đồng các loại và hơn 100 trống minh khí, phần lớn là trống loại I (khoảng 32%) và loại II (khoảng 45%), ít hơn là trống loại III (khoảng 10%), loại IV (khoảng 12%) và loại trung gian (khoảng 1%). Số lượng nhiều nhất (trên 100 trống) là Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa (chủ yếu là trống loại I và loại II, ngoài ra còn có hàng chục trống minh khí), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (có cả trống loại I, loại II, loại III, loại IV, loại trung gian, loại đặc biệt và trống minh khí, trong đó có trống loại I đẹp nhất, tiêu biểu nhất như trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, có trống loại I lớn nhất được biết đến cho đến hiện nay) và Bảo tàng tỉnh Hòa Bình (tuyệt đại đa số là trống loại II). Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, những năm gần đây nổi lên một số trung tâm sưu tầm được nhiều trống đồng (từ khoảng 30 đến 50 chiếc) như Điện Biên (chủ yếu là trống loại II và trống loại III), Sơn La (có cả trống từ loại I đến loại IV, nhưng nhiều hơn cả là trống loại II), Hà Giang (chủ yếu là trống loại IV) và Lào Cai (phần lớn là trống đồng loại I, số ít hơn là trống loại IV). Điều đặc biệt là ở Lào Cai, ngoài những trống sưu tầm ngẫu nhiên, còn có nhiều trống được tìm thấy bên cạnh các hiện vật đồ đồng và trong mộ táng Văn hóa Đông Sơn. Một hiện tượng khác cũng đáng lưu ý là 15 chiếc trống đồng đào được ở đồi Pá Ban, huyện Mường Ảng và ở bản Nà Hý, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, về mặt loại hình, thuộc loại II và loại III Heger, đều được chôn sâu trong lòng đất, không có di tích và di vật kèm theo(6).  Ngoài các tỉnh miền núi phía Bắc nêu trên, còn phải kể đến sưu tập trống đồng của Bảo tàng Hà Nội, Phú Thọ, Nghệ An với số lượng khoảng từ 20 đến 30 chiếc. Ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ, nhiều địa phương cũng phát hiện được trống đồng, thường không đi kèm với di vật khác của Văn hóa Đông Sơn, phần lớn thuộc loại I Heger, nhưng cũng có trống loại II, loại III và loại IV, số lượng nhiều hơn cả (khoảng từ 10 đến 20 chiếc) là sưu tập trống đồng của Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng tỉnh Bình Định và Bảo tàng tỉnh Đắc Lắc.

Về trống đồng loại I Heger:

Nghiên cứu các sưu tập trống đồng hiện có ở Việt Nam có thể thấy, trống loại I Heger là loại cơ bản và cổ nhất mà từ đó phát triển sang các loại khác. Trống thường có kích thước lớn, mặt trống nhỏ hơn tang trống, dáng cân đối chia thành 3 phần rõ rệt: tang trống, thân trống và chân trống. Hoa văn trang trí thường phủ kín mặt, tang và thân trống. Căn cứ vào kiểu dáng, kích thước và hoa văn trang trí, nhiều nhà nghiên cứu nước ta đã phân chia trống loại I Heger thành một số phụ loại từ sớm đến muộn: Có người chia thành 5 phụ loại(7),  có người chia thành 3 nhóm: A, B và C, trong đó nhóm A được chia nhỏ thành 2 tiểu nhóm A1 và A2(8)  , lại có người chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm lại chia thành các kiểu khác nhau(9) . Như vậy, trong việc phân loại trống đồng loại I Heger, ý kiến của các nhà nghiên cứu nước ta, về cơ bản, là thống nhất. Nếu có sự khác nhau nào đó thì chỉ khác nhau về chi tiết trong việc phân chia ra thành nhiều hay ít phụ loại, nhiều hay ít nhóm, nhiều hay ít tiểu nhóm mà thôi.

Về hoa văn trang trí trên trống loại I, trên đại thể, diễn biến kế tiếp nhau hoặc gối nhau theo 3 nhóm từ sớm đến muộn: Ở nhóm sớm nhất, hoa văn trang trí rất phong phú, sinh động và giàu tính hiện thực; nhóm trống muộn hơn, hoa văn trang trí giảm bớt nhiều, từ hiện thực chuyển sang xu hướng biến hình thể và đơn giản hóa; muộn hơn cả là nhóm trống có hoa văn trang trí còn phong phú, nhưng cách điệu theo xu hướng biến hình thể, xuất hiện các khối tượng cóc và hoa văn hình trâm trên mặt trống.

Một vấn đề được đặt ra là khái niệm “Trống đồng loại I Heger”, “Trống đồng Đông Sơn” và “Văn hóa Đông Sơn” nên được hiểu như thế nào? Như chúng ta biết, trống đồng được phát hiện trên một địa bàn rất rộng trong khu vực Nam Trung Quốc (Lưỡng Quảng và Vân Quý), Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Miến Điện, Mã Lai, Indonesia, trong đó trống đồng loại I Heger tập trung nhiều nhất là ở nước ta và Hoa Nam Trung Quốc. Trên cơ sở so sánh sự giống nhau giữa các hoa văn trang trí trên trống đồng và hoa văn trên các đồ đồng khác, đặc biệt là việc tìm thấy trống đồng trong các cuộc khai quật ở Đông Sơn, nhiều nhà nghiên cứu phương Tây, như V. Goloubew, R. Heine- Geldern, B. Karlgren, O. Janse đã gắn trống đồng loại I Heger với Văn hóa Đông Sơn. Có học giả như B.A.V. Peacock còn gọi thẳng trống đồng loại I Heger là “Trống Đông Sơn” kể cả những trống tìm được ở ngoài Việt Nam(10).  Tuy nhiên, trống đồng loại I Heger phát hiện ở các nước Đông Nam Á, kể cả nhiều trống đồng tìm thấy ở miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ Việt Nam, thường thuộc nhóm trống loại I muộn mà nhiều nhà nghiên cứu cho là chịu ảnh hưởng, hoặc được đưa đến từ Văn hóa Đông Sơn, từ miền Bắc Việt Nam(11).

Ý kiến chung của các nhà nghiên cứu nước ta đều cho rằng, Văn hóa Đông Sơn thuộc phạm trù thời đại đồ sắt, được ra đời trên nền tảng các nền văn hóa Tiền Đông Sơn (thiên niên kỷ II – đầu thiên niên kỷ I trước Công nguyên). Như vậy, theo quan niệm của nhiều nhà nghiên cứu nước ta, phạm vi phân bố của trống đồng loại I Heger rộng hơn rất nhiều phạm vi phân bố của Văn hóa Đông Sơn và không phải tất cả trống đồng loại I Heger phát hiện ở Nam Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á đều thuộc Văn hóa Đông Sơn. Tuy nhiên, có thể khẳng định, trống đồng loại I Heger phát hiện ở nước ta – Trống Đông Sơn – được ra đời chính từ nền văn hóa nổi tiếng này, nhưng nó không xuất hiện ở ngay giai đoạn sớm của Văn hóa Đông Sơn, mà ở vào giai đoạn tiếp theo – giai đoạn Đông Sơn điển hình với khung niên đại khoảng thế kỷ V trước Công nguyên đến thế kỷ I-II sau Công nguyên.

Về trống loại II Heger:

Trống đồng loại II Heger được phân bố chủ yếu ở vùng Hoa Nam (Trung Quốc) và Bắc Việt Nam. Theo thống kê chưa đầy đủ, ở nước ta, trống đồng loại II Heger chiếm số lượng nhiều ở các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa. Loại trống này thường có kích thước lớn và nét dễ nhận ra là mặt trống chờm ra khỏi tang trống, có 4 hoặc 6 tượng cóc chân cao, một vài trống thay tượng cóc bằng tượng chim hay tượng rùa, tượng voi.. Dáng trống dường như được chia thành 3 phần (tang trống, thân trống và chân trống), nhưng phổ biến, phần thân trống và chân trống choãi dần đều, chỉ phân định bằng một đường gờ, nên có cảm giác trống chỉ có 2 phần là tang và thân trống.

Về phân loại và niên đại loại trống này chưa được nghiên cứu nhiều. Trước đây, có nhà nghiên cứu chia trống loại II thành 2 nhóm: Nhóm trống Vĩnh Phú, Ninh Bình, Thanh Hóa và nhóm trống Nghệ An(12). Trong Hội nghị khoa học về trống đồng Việt Nam năm 1985, có nhà nghiên cứu chia thành 3 nhóm (thiên niên kỷ I sau Công nguyên, thời Lý – Trần và sau thời Trần(13), có người chia thành 5 nhóm (nhóm I: trước Phật giáo, niên đại từ thế kỷ III-II trước Công nguyên đến cuối thiên niên kỷ I sau Công nguyên; nhóm II: sau Phật giáo, niên đại từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV; nhóm III có niên đại từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII; nhóm IV có niên đại từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX và nhóm V có niên đại từ thế kỷ XIX)(14).

Về chủ nhân của trống đồng loại II Heger, do tuyệt đại đa số đều phát hiện và khai quật được trong mộ táng và trong khu vực cư trú của đồng bào Mường, nên thường gọi là “Trống Mường”. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng, chủ nhân của trống loại II phát hiện được ở Việt Nam là người Việt – Mường (trước thế kỷ X) và người Kinh (từ sau thế kỷ X) đúc ra và đưa lên miền núi bằng nhiều hình thức khác nhau(15). Thật ra, việc phân định chủ nhân trống loại II là người Việt hay người Mường chỉ có tính chất tương đối, bởi vì Việt và Mường đều có chung một cội nguồn và trong quá trình phát triển lâu dài đã có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.

Về niên đại trống loại II, dù còn có ý kiến khác nhau, nhưng phần lớn các nhà nghiên cứu đều xếp vào khung niên đại thiên niên kỷ I sau Công nguyên đến thế kỷ XVI-XVII.

Về trống loại III Heger:

Trống loại III theo phân loại của F. Heger phân bố rộng rãi ở miền Nam Trung Quốc và ở hầu hết các nước Đông Nam Á lục địa. Dáng trống loại III thường trên to, thuôn dài và hơi loe về phía chân trống nên trông có vẻ thanh thoát. Mặt trống chờm ra khỏi tang trống cùng với các khối tượng cóc mảnh mai hơn, có trống có tới 2, 3 cóc cõng nhau. Ngoài các đường gờ nổi trên tang, thân và chân trống, ở nhiều trống còn được trang trí bằng các khối tượng đúc, phổ biến nhất là khối tượng voi.

Nghiên cứu loại trống này ở Đông Nam Á có nhà nghiên cứu chia ra làm 2 phụ loại: Một loại có liên quan đến các tộc người thuộc ngữ hệ Môn Khơ Me là chính và một loại có liên quan đến các tộc người nói tiếng Tày Thái là chính. Tác giả cho rằng, loại trống này ra đời từ thế kỷ VI sau Công nguyên(16).  Riêng đối với học giả người Áo F. Heger, trong công trình nghiên cứu năm 1902 đã dẫn ở trên, cho trống đồng loại III là trống Shan, do người Karen ở vùng Shan phía Đông Miến Điện chế tác. Ở nước ta, so với trống loại I và loại II, trống loại III phát hiện được không nhiều, địa bàn chủ yếu là vùng Tây Bắc.

Về trống loại IV Heger:

Trống đồng loại IV Heger phân bố trên một phạm vi rất rộng, có đến vài chục tộc người sử dụng, kể cả một số tộc người ở phía Bắc như người Hán, Mông Cổ… Niên đại của loại trống này được xác định vào thiên niên kỷ II sau Công nguyên, nghĩa là từ thế kỷ X cho đến thời gian gần đây. Điều thú vị là nhiều trống loại này được tìm thấy trong các cuộc khai quật khảo cổ, đặc biệt là có minh văn trên trống nên có thể theo dõi được tiến trình phát triển của trống loại IV Heger theo từng thế kỷ(17).

Ở Việt Nam, trống đồng loại IV phát hiện được nhiều ở các địa phương miền núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, có mối liên hệ với xã hội người Giáy, người Dao, người Pu Péo, người Mường, người Thái, người Thổ, nhưng phong phú hơn cả là ở người Lô Lô(18).

Nét đặc biệt của trống loại này là mặt trống không vượt ra khỏi tang trống; về hình dáng và hoa văn trang trí khá gần gũi với trống loại I, dù hình dáng không cân đối, hoa văn trang trí không phong phú và tinh xảo bằng. Việc nghiên cứu loại trống độc đáo này đang đặt ra một loạt vấn đề cần làm sáng rõ: Mối quan hệ giữa trống loại IV và loại I, loại II, loại III như thế nào? Vì sao trống loại IV lại có vẻ gần gũi trống loại I hơn trống loại II, loại III, trong khi về mặt thời gian giữa trống loại I và loại IV cách xa nhau một thiên niên kỷ? về bản sắc văn hóa tộc người sử dụng trống đồng? về phân loại và các giai đoạn phát triển của trống đồng? về sự tương đồng và khác biệt giữa trống đồng loại IV phát hiện được ở Việt Nam với các nước khác?…

Với miền đất “xứ Thanh”, tuy chưa phát hiện được loại trống đồng đẹp nhất (như trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà) và cũng chưa hội đủ cả 4 loại trống đồng cơ bản theo phân loại của F.Heger, nhưng lại có nhiều điểm vượt trội, nhiều “cái nhất”mà có lẽ không có nơi nào ở nước ta có được: Có một số lượng trống đồng vượt trội hơn nhiều so với bất kỳ một địa phương nào ở nước ta, chưa kể còn rất nhiều trống đồng  xuất xứ từ Thanh Hóa đang có mặt tại nhiều bảo tàng nhà nước, bảo tàng và các sưu tập tư nhân ở nhiều địa phương; có số lượng trống đồng tìm được trong các cuộc khai quật khảo cổ nhiều nhất, chủ yếu là ở di chỉ – mộ táng Đông Sơn, Thiệu Dương… và  một trống đồng loại I có kích thước lớn nhất (đường kính mặt 116 cm, cao 85 cm, đường kính tang 125 cm, đường kính thân 98 cm, đường kính chân 123 cm)… Mới đây, Thanh Hóa lại tìm được một trống đồng loại III cùng nhiều đồ đồng thời phong kiến được chôn trong một khe núi, đã giúp cho các nhà nghiên cứu làm sáng rõ thêm một số vấn đề lịch sử trống loại này ở nước ta.

Từ một phát hiện ngẫu nhiên của một người nông dân làng Đông Sơn (Thanh Hóa) năm 1924 và với tác phẩm “Thời đại đồ đồng thau ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ” công bố năm 1929 của V.Goloubew, năm 1934 một nền văn hóa khảo cổ học mang tên Đông Sơn đã được xác lâp – “Văn hóa Đông Sơn”, thu hút sự chú ý và làm thay đổi nhận thức của nhiều học giả phương Tây về nền văn minh thời cổ đại của đất nước ta, và đi xa hơn, bằng những thành tựu to lớn của khảo cổ học Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta hoàn toàn có cơ sở khoa học khẳng định tính bản địa của Văn hóa Đông Sơn – một nền văn hóa đạt đến trình độ văn minh cao, là chủ nhân đích thực của trống đồng Đông Sơn – một nền văn hóa vừa có sức tỏa sáng, lại có bản lĩnh trong tiếp thu, bản địa hóa những sản phẩm văn hóa bên ngoài để xây dựng và phát triển nền văn hóa của mình, làm nền tảng tinh thần thời kỳ dựng nước đầu tiên của dân tộc ta – thời kỳ các Vua Hùng.

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu

Chú thích và tài liệu dẫn

(1) H. Parmentier 1918. Ancient tambours de bronze. BEFEO, T. XVIII, Hanoi.

(2) – V. Goloubew V. 1929. Report on the making and diffusion of metallic drums through Tong King and Northern Annam. Proceedings Fourth Pacific Science congress. Java, 1929.

       – V. Goloubew V. 1940. Le Tambour metalique de HoangHa. BEFEO. T. XL.

       – H. Parmentier 1932. Nouveaux tambours de bronze. BEFEO. T. XXXII, Hanoi.

        – H.Q. Wales 1956. The religious significances of the carly Dongson bronze drums. Procedings of the 23rd congress of orientalist – 1956 – London.

(3) – Đào Duy Anh: Văn hóa đồ đồng và trống đồng Lạc Việt. Hà Nội, 1957.

      – Lê Văn Lan – Phạm Văn Kỉnh – Nguyễn Linh: Những vết tích đầu tiên của thời đại đồ đồng thau Việt Nam. Nxb Khoa học, Hà Nội, 1963.

      – Nguyễn Văn Huyên – Hoàng Vinh:  Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. Hà Nội, 1975.

      – Phạm Minh Huyền – Nguyễn Văn Huyên – Trịnh Sinh: Trống Đông Sơn. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1987.  

(4)   – Tạp chí Khảo cổ học: Số đặc biêt (số 13 và 14/ 1974) về trống đồng.

       – Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam: Hội nghị khoa học Trống đồng Việt Nam, Hà Nội, 1985.

(5)  Bảo tàng Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây Trung Quốc – Viện Nghiên cứu Văn vật khảo cổ Quảng Tây Trung Quốc – Bảo tàng Lịch sử Việt Nam: Trống đồng Việt Nam. Nxb Khoa học, 2011.

(6) Nguyễn Thị Minh Hằng, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Giang Hải: Trống đồng Nà Hý (Điện Biên). Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2008. Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2009, tr.243.

(7) Lê Văn Lan – Phạm Văn Kỉnh – Nguyễn Linh, 1963 (sách đã dẫn), tr. 191-207.

(8) Nguyễn Văn Huyên – Hoàng Vinh, 1975 (sách đã dẫn), tr. 16-18.

(9) – Hà Văn Tấn (Chủ biên): Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994, tr. 112-117.

     – Lưu Trần Tiêu – Nguyễn Minh Chương: Niên đại trống Đông Sơn. Khảo cổ học, số 13, 1974, tr. 117-121.

(10) B.A.V. Peacock 1964. A preliminary note of the Dongson bronze drums from Kampong Sungailang. Federation Museum Journal t. IX, 1964

(11)  Hà Văn Tấn: Một số ghi chú về trống đồng ở Đông Nam Á. Theo dấu các văn hóa cổ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr. 707.

(12)  Nguyễn Thành Trai: Về những chiếc trống đồng loại II Heger vừa mới sưu tầm được. Khảo cổ học, số 13, 1974, tr. 143.

(13) Nguyễn Đình Chiến: Góp bàn về niên đại trống đồng loại II Heger. Hội nghị khoa học Trống đồng Việt Nam, Hà Nội, 1985, tr. 91-97.

(14) Nguyễn Thành Trai: Góp phần tìm hiểu trống loại II Heger. Hội nghị khoa học Trống đồng Việt Nam, Hà Nội, 1985, tr. 80.

(15) Phạm Quốc Quân: Suy nghĩ về chủ nhân trống loại II Heger. Hội nghị khoa học Trống đồng Việt Nam, Hà Nội, 1985, tr. 83 – 88).

(16) Diệp Đình Hoa: Suy nghĩ về những chiếc trống loại III – IV Heger. Hội nghị khoa học Trống đồng Việt Nam, Hà Nội, 1985, tr. 101.

(17) Diệp Đình Hoa, 1985 (sách đã dẫn), tr. 103).

(18) – Hoàng Hoa Toàn – Diệp Đình Hoa – Lê Mai Châu: Người Lô Lô với trống đồng. Khảo cổ học, số 16, 1974, tr. 123-125.

        – Lò Giàng Páo, 1985: Người Lô Lô ở Việt Nam với trống đồng (sách đã dẫn), tr. 108-113.

Nguồn: http://baotang.thanhhoa.gov.vn/portal/Pages/2015-3-30/TRONG-DONG-VIET-NAM5keow4.aspx

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.