Bảo tàng Vĩnh Phúc

Ngày 01 tháng 9 năm 2000 Bảo tàng khánh thành và mở cửa hệ thống trưng bày thường trực giai đoạn 1 “Vĩnh phúc từ thời kỳ tiền sơ sử đến năm 1930” gồm 3 phòng:

Phòng mở đầu(400m2): Giới thiệu diên cách địa lý, tài nguyên thiên nhiên và các di vật lịch sử tiêu biểu minh chứng cho vùng đất có cảnh quan kỳ vĩ, địa hình đa dạng, đặc biệt là sự có mặt của người Việt cổ trên đất Vĩnh Phúc từ thời đại đồ đá cũ (Văn hóa Sơn Vi) đến thời đại kim khí (Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn) trong đó Đồng Đậu là một di tích tiêu biểu chứa đựng cả 4 giai đoạn văn hóa từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn, nền tảng cho việc hình thành quốc gia đầu tiên của dân tộc: thời đại các vua Hùng.

Phòng số 1(140 m2): Trưng bày về đời sống văn hóa của nhân dân các dân tộc Vĩnh Phúc (chủ yếu là 4 dân tộc Kinh, Sán Dìu, Cao Lan, Dao ) Thông qua các sưu tập y phục, trang sức, phong tục tập quán, tín ngưỡng, đồ dùng sinh hoạt, đời sống canh tác của 3 vùng đồng bằng, trung du, miền núi và 1 số lễ hội tiêu biểu mang đậm sắc thái địa phương như: lễ hội chọi trâu ( xã Hải Lựu, huyện Sông Lô); Lễ hội cướp Phết ( xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch), lễ hội Tấy Thiên (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo)…

Phòng số 2(108 m2): Giới thiệu về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân các dân tộc Vĩnh Phúc từ đầu công nguyên đến năm 1930. Tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa: Hai Bà Trưng (năm 40- 43); Lý Bôn xây dựng căn cứ Hồ Điểm Triệt chống quân Lương (Thế kỷ 6); Nguyên Khoan và thành Gia Loan (Thế kỷ 10); Trận chiến Bình Lệ Nguyên và danh tướng Lân Hổ (Thế kỷ 13); Trần Nguyên Hãn và quê hương Sơn Đông (Thế kỷ 15); Nguyễn Danh Phương và căn cứ Thanh Lanh Ngọc Bội (Thế kỷ 18); Đề Thám và căn cứ Sáng Sơn (năm 1909); Đội Cấn và cuộc binh biến Thái Nguyên (năm 1917); Nguyễn Thái Học với phong trào Việt Nam Quốc dân Đảng (năm 1930).

Với trên 2000 hiện vật, hình ảnh, tài liệu, được trưng bày. Hệ thống trưng bày thường trực giai đoạn 1- Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc thiết thực phục vụ các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, khách tham quan trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Địa chỉ: số 12 đường Lý Bôn, phường Ngô Quyền, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Đt: 0211 862930

Nguồn: http://baotang.dsvh.gov.vn/vi-VN/Detail/Index/92

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.